“Thời hoàng kim” đã mất Việc phát triển cây dong riềng tập trung chủ yếu tại khu vực đất bãi ven sông Hồng thuộc địa phận các xã: Liên Hà, Liên Trung, Thọ Xuân, Thọ An và Song Phượng. Năm 2011, tổng diện tích trồng loại cây này là hơn 100ha, trong đó, xã Liên Hà trồng nhiều nhất với gần 50ha. Khi đó, củ dong riềng được thu mua với giá cao, tới 1.900 đồng/kg. Mỗi sào cho năng suất từ 3,5 - 4 tấn, mang lại thu nhập rất khá cho người nông dân. Tuy nhiên, "thời hoàng kim" của cây dong riềng chỉ kéo dài được đúng 2 năm, sang năm 2013, giá củ dong riềng giảm nghiêm trọng, thời điểm thấp nhất chỉ còn khoảng 400 - 500 đồng/kg. Chị Đỗ Thị Phan, thôn Thuận Quế, xã Song Phượng cho biết, năm 2013, gia đình chị trồng 4 sào dong riềng chỉ thu về được gần 2,5 triệu đồng. Trừ chi phí, chưa lỗ là may mắn, chứ không mong có lãi (!). Thế nên, "rút kinh nghiệm", năm nay, gia đình chị chỉ trồng một sào. Cũng vì sự sụt giá đó mà năm 2014, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đan Phượng đã quyết định không trồng cây dong riềng mà chuyển sang các loại cây khác. Việc làm này khiến diện tích trồng cây dong riềng trên địa bàn huyện hiện chỉ còn lại 52,3ha, giảm gần 50% so với năm 2013. Từng bước thực hiện chuyển đổi Việc sụt giảm diện tích trồng cây dong riềng có nguyên nhân chính là sự bấp bênh đầu ra của sản phẩm. Cụ thể là do chưa có kênh liên kết tiêu thụ giữa đơn vị thu mua và người sản xuất. Củ dong riềng chủ yếu được bán cho thương lái các huyện lân cận, trong đó, phần lớn được chuyển về Hoài Đức để chế biến thành miến ăn. Thời điểm thị trường tiêu thụ tốt, tiểu thương sẵn sàng trả giá cao gấp 2 - 3 lần để mua. Ngược lại, khi việc tiêu thụ chậm hơn, họ quay sang "ép" giá mua rất thấp. Người nông dân không chủ động được đầu ra cho sản phẩm, chỉ còn biết trông chờ vào may mắn từ thị trường. Theo ông Nguyễn Tuấn Ngại - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, nếu muốn tiếp tục phát triển loại cây này, giải pháp quan trọng hiện nay là cần sớm xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm, với những quy định chặt chẽ về giá sàn thu mua, đảm bảo quyền lợi của các bên. Hiện tại, huyện Đan Phượng đang từng bước hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi dần sang trồng các loại cây khác dễ tiêu thụ hơn và vẫn phù hợp với đặc tính đất vùng ven bãi như chuối, đu đủ, ngô… bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Với những hộ vẫn đang duy trì diện tích trồng dong riềng lớn, huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ trong điều kiện cho phép về cơ giới hóa, kỹ thuật sản xuất… Ông Tịnh cũng nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chắc chắn không tránh khỏi những đường hướng chưa phù hợp, tuy nhiên, huyện sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời, tiếp tục quan tâm, lắng nghe nguyện vọng và hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.