Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm lối ra bền vững cho nông sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển ổn định, đem lại thu nhập tốt, từng bước cải thiện đời sống cho xã viên, việc tiêu thụ nông sản làm ra được xem là khâu trọng yếu. Tuy nhiên, làm thế nào để thúc đẩy hoạt động này vẫn đang là bài toán khó.

Khó tìm đầu ra cho sản phẩm

Ông Lê Viết Đỗ - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Văn Quán, thôn Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, HTX khuyến khích người dân canh tác rau an toàn và đặc biệt là hoa. Cả thôn hiện có 80ha hoa và hàng chục héc ta rau màu sạch, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. HTX cam kết hỗ trợ, cung ứng đầy đủ cho xã viên các loại hình dịch vụ từ giống, vật tư, phân bón, đến thủy lợi… Ngoài ra, HTX còn xây dựng nhà gác hai tầng bảo vệ tài sản cho người dân. Đặc biệt, HTX đã chủ động liên hệ với một số đơn vị thu mua, đảm bảo đầu ra cho nông sản, nhờ vậy, hoa và rau màu làm tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Xã viên và người nông dân trong thôn ai nấy đều rất phấn khởi. 
Đóng gói chè an toàn tại HTX nông lâm Bắc Sơn. 	Ảnh: Tùng Nguyễn
Đóng gói chè an toàn tại HTX nông lâm Bắc Sơn. Ảnh: Tùng Nguyễn
HTX DVNN Văn Quán là điển hình trong các hoạt động trợ giúp xã viên, bao gồm cả khâu bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn TP vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Bà Đào Thị Quý - Chủ nhiệm HTX Nông lâm Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Chè an toàn Bắc Sơn” đã được TP công nhận. Dù đã có thương hiệu, nhưng khâu bao tiêu vẫn là bài toán khiến cán bộ và xã viên phải đau đầu. Nhiều hộ hiện vẫn đang phải “tự thân vận động”, lo toan từ khâu sản xuất, đóng gói cho tới tiêu thụ sản phẩm. 

Cùng chung nỗi trăn trở, Chủ nhiệm HTX rau quả an toàn Cự Khối (quận Long Biên) Lê Văn An cho hay, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, năm 2012, một số thành viên HTX đã đưa cây ổi găng về trồng trên vùng đất bãi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng ổi găng đạt khoảng 3.000 tấn/năm. Để hỗ trợ xã viên, HTX đã phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đưa ổi găng vào bán tại hệ thống siêu thị của Hapro. Tuy nhiên, khối lượng mới chỉ đạt từ 25 – 30%. Số còn lại, xã viên vẫn phải tự tìm đường tiêu thụ.

Cần cơ chế hỗ trợ, đầu tư
Theo thống kê của Liên minh HTX TP, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.723 HTX đang hoạt động, trong đó, 58,5% là các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX hoạt động tốt mới đạt 13,25%; 37,39% HTX hoạt động khá. Các HTX còn lại chỉ phát triển ở mức độ trung bình và yếu.
Theo chủ trương đầu tư, phát triển của TP, các sản phẩm nông nghiệp hiện đều được sản xuất theo hướng sạch và an toàn. Chi phí sản xuất bởi vậy cũng tăng gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường. Việc chưa có thị trường tiêu thụ ổn định khiến hoạt động của các HTX rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống xã viên. Ông Phạm Văn An – Chủ tịch Liên minh HTX TP cho biết, để hỗ trợ các HTX trong công tác này, những năm qua, Liên minh phối hợp chặt chẽ với phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã, Sở NN&PTNT Hà Nội, hỗ trợ các HTX, nhất là HTX nông nghiệp trong bảo hộ xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu tập thể. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường. Trong thời gian tới, Liên minh sẽ tiếp tục nhân rộng các điển hình HTX tiên tiến; tập trung đôn đốc, chỉ đạo các HTX với vai trò đầu tàu, thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ xã viên trong quá trình sản xuất…

Dù vậy, để hoạt động tiêu thụ nông sản của các HTX đi vào chiều sâu, ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho rằng, TP cần sớm có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, DN đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đây sẽ là hướng đi bền vững cho việc tiêu thụ nông sản, qua đó, từng bước củng cố hoạt động của các HTX trên địa bàn TP.