Điểm tựa văn hoá truyền thống
Chính thức tham gia UCCN trong lĩnh vực Thiết kế năm 2019, TP Bangkok (Thái Lan) phải đối mặt với các vấn đề như tốc độ đô thị hóa nhanh, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm không khí, không gian công cộng hạn chế…
Bà Tipsukon Choungthong - đại diện TP Bangkok cho biết: “Chúng tôi coi tái tạo đô thị là giải pháp để phát triển bền vững, là quá trình chuyển mình để TP đáng sống hơn. Các giải pháp đã được đưa ra như: đầu tư vào hạ tầng xanh; phát triển hệ thống giao thông, tập trung vào giao thông thủy nội địa; phát triển các không gian công cộng, huy động sự tham gia của các đối tượng khác nhau trong quá trình phát triển của TP”.
Trở thành Thành phố sáng tạo, Bangkok đã sử dụng các công cụ hướng tới tái tạo đô thị, các không gian sáng tạo được xây dựng nhằm thúc đẩy thương hiệu từ di sản văn hóa, sáng tạo để tạo nên giá trị của TP. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động, lễ hội văn hóa nghệ thuật cũng đã được tổ chức đáp ứng nhu cầu của công chúng và mang lại giá trị kinh tế cho TP.
Trong khi đó, theo bà Karen Shepherd, Giám đốc Chiến lược, đại diện Thành phố sáng tạo lĩnh vực Ẩm thực Kuching (Malaysia): Với sự đa dạng sinh học, cánh rừng nhiệt đới ẩm thực Kuching dựa trên yếu tố bản địa, là kết quả của sự tương tác giữa con người và tự nhiên qua thời gian. Nơi đây có 34 nhóm người thiểu số đóng góp vào giá trị ẩm thực.
Tham gia UCCN đã khơi gợi sự sáng tạo để giá trị ẩm thực bản địa, kết hợp với âm nhạc truyền thống, làng nghề, có thể giúp địa phương phát triển mạnh mẽ. Qua 2 năm gia nhập Mạng lưới, các chương trình được triển khai: mở không gian bán hàng di sản và các khu ẩm thực; hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực thực phẩm phát triển; phát triển ẩm thực gắn với du lịch...
Tuy nhiên Kuching cũng đang phải đối mặt với thách thức làm sao phát triển kinh tế dựa trên giá trị truyền thống, khai thác các nguồn lực và quảng bá.
Mở ra cơ hội phát triển
Sự chung tay đóng góp của các đối tác, tổ chức, gồm các doanh nghiệp, các tổ chức bảo trợ, cộng đồng vào các hoạt động văn hóa sáng tạo hướng tới không chỉ mang lại sự phát triển bền vững, mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt cho xã hội
Phó Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Thiết kế Sáng tạo Singapore Yee Yeong Chong chia sẻ, Hội đồng thiết kế Singapore là cơ quan quốc gia mang sứ mệnh thúc đẩy hoạt động thiết kế, biến Singapore trở thành TP có cuộc sống tốt hơn. Hơn 20 năm, các hoạt động của Hội đồng đã chứng minh hiệu quả của ngành thiết kế trong tái thiết đô thị.
Hiện nay, Singapore đang phát triển hệ sinh thái thiết kế, nuôi dưỡng tài năng, phát triển thương hiệu. "Hoạt động thiết kế có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau để phát triển đô thị bền vững. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn tổ chức được nhiều sự kiện để kích hoạt các hoạt động thiết kế" - Ông Yee Yeong Chong cho biết.
Quản lý cấp cao, Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo Kobe (Nhật Bản) Kenji Kondo cho hay chính quyền TP Kobe đang hướng tới xây dựng Kobe là TP nơi mọi người muốn sống, không chỉ là người dân bản địa mà chào đón tất cả người dân nơi khác. Kobe thực hiện ba chính sách biến TP thành TP Sáng tạo. Đó là tạo cảnh quan đô thị hấp dẫn giàu bản sắc, xây dựng cộng đồng thân thiện, lấy con người là trung tâm; trong đó yếu tố xây dựng TP thân thiện rất quan trọng để khách du lịch đến tham quan cũng coi như nhà của mình; từ đó đặt ra nhiệm vụ cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo cần tạo ra những thiết kế để mọi người cảm nhận được. Cảnh quan TP phải đặc thù, khai thác yếu tố sẵn có từ địa thế dựa núi trông ra biển và kiến trúc các tòa nhà phải toát lên tinh thần của TP.
Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của UCCN với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN và cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.