Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm ngưỡng an toàn cho nợ công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong những vấn đề hiện nay đang được mọi người quan tâm là quản lý nợ công ở Việt Nam. Bởi nó không chỉ liên quan đến lòng tin của của người dân đối với Nhà nước về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư mà còn có tác động đến cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, ảnh hưởng tới cuộc sống của thế hệ tương lai.

 

 
Tìm ngưỡng an toàn cho nợ công - Ảnh 1
Nhiều công trình giao thông sử dụng vốn ODA đạt hiệu quả cao.Trong ảnh: Một đoạn đường Vành đai 3 trên cao Hà Nội được đưa vào sử dụng.Ảnh:Huy Hùng

Vì sao có sự chênh lệch số liệu nợ công

Khái niệm và cách xác định nợ công hiện nay đang còn những khác biệt giữa các nước. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nợ công bao gồm: Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Như vậy, các khoản vay như vay vốn ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ (trong cũng như ngoài nước), trái phiếu công trình đô thị, hay một tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước đều được xem là nợ công.

Khái niệm nợ công như quy định trên có điểm khác biệt so với cách tính toán theo thông lệ quốc tế: Nợ công mà nhiều tổ chức và quốc gia đang xác định bao gồm cả nợ của các tổ chức thuộc khu vực công, có nghĩa là nó bao gồm cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước (các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước… có vốn góp thuộc sở hữu Nhà nước trên 50%). Đây là nguyên nhân gây chênh lệch về tỷ lệ nợ công so với GDP giữa con số do Bộ Tài chính cung cấp với số liệu từ các tổ chức quốc tế trong thời gian qua. Chẳng hạn, năm 2007, nợ của Nhà nước là 33,8% GDP, nhưng nợ nước ngoài (chủ yếu là nợ Nhà nước) theo Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đã là 43,3% GDP và nếu cộng thêm hơn 7% nợ của Chính phủ do phát hành trái phiếu thì tổng số nợ đã lên 50%; năm 2009 nợ công của Việt Nam theo số liệu của World Factbook khoảng 52,3% GDP, nhưng công bố chính thức từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) gần đây cho rằng, con số này thấp hơn, ước khoảng 44,7% GDP. Tuy nhiên, số liệu nợ mà Bộ Tài chính Việt Nam thông báo hiện nay là nợ Nhà nước chứ chưa phải nợ công. 

Tìm ngưỡng an toàn cho nợ công - Ảnh 2
Đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, công trình vay vốn ODA sau khi đưa vào sử dụng đã góp phần giảm UTGT cho Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng


Thiết lập ngưỡng an toàn

Có nhiều luồng ý kiến về nợ công ở Việt Nam. Đối với giới nghiên cứu, các nhà kinh tế, nợ công của Việt Nam là một mối lo ngại thực sự. Trong khi đó đối với các cơ quan quản lý, nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Như vậy, có vẻ như những nhận xét này dựa vào những con số khác nhau. Ở Việt Nam, đã có thời kỳ ngân sách và nợ quốc gia được coi là bí mật quốc gia. Nay Bộ Tài chính đã công khai một số dữ liệu về ngân sách, nợ nước ngoài… 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện các chỉ số nợ của Việt Nam đang ở mức an toàn và nợ công đang được quản lý chặt chẽ theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Các khoản nợ trong nước và nước ngoài đều được thanh toán đầy đủ, không có nợ xấu. Hàng năm, ngân sách Nhà nước bố trí trả nợ từ 14 đến 16% tổng số thu (giới hạn cảnh báo là dưới 30%), bằng khoảng 4,5% xuất khẩu (giới hạn cảnh báo là dưới 15%). Đây là chỉ tiêu an toàn, so với các nước đang phát triển có cùng hệ số tín nhiệm. Ngoài ra, nếu Chính phủ vay một đồng mà tạo ra tăng trưởng GDP và thu ngân sách lớn hơn một đồng thì càng vay nhiều càng có lợi. Điều này có thể được lý giải bởi nếu nhìn vào một số bảng sắp xếp vị trí các quốc gia theo tỷ lệ nợ công trên GDP có thể thấy rất nhiều nền kinh tế có tỷ lệ cao hơn 50%, thậm chí rất cao như: Nhật Bản 192%, Singapore 118%, Ý 115%, Pháp 80%, Anh 69%... nhưng các quốc gia này vẫn đang là những nước có nền kinh tế phát triển cao hoặc khá ổn định.

Chúng ta không quá quan ngại nhưng không phải vì vậy mà chủ quan trong việc vay và sử dụng vốn vay kém hiệu quả. Vấn đề mấu chốt là phải quản lý được các rủi ro.

 Muốn đảm bảo an toàn cần phải thiết lập ngưỡng an toàn nợ công. Thực tế thời gian qua, kiểm toán Nhà nước đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo khả năng xảy ra rủi ro tài chính quốc gia xét ở tầm vĩ mô và giúp Chính phủ, Quốc hội có được một bức tranh toàn diện về thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản nợ, đánh giá tính bền vững của các khoản nợ, từ đó có các biện pháp và quyết định phù hợp. Tuy nhiên, để kết quả kiểm toán có chất lượng và là cơ sở quan trọng để giúp Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành đưa ra những quyết định quan trọng, chính xác về chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, góp phần giải tỏa trách nhiệm cho Chính phủ, kiểm toán Nhà nước cần có chiến lược với những lộ trình thích hợp về công tác kiểm toán nợ công. Đây chính là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ngoài ra, việc kiểm toán nợ công cần được tiến hành thường xuyên để có thể kiểm soát các rủi ro do việc quản lý nợ gây ra.