Những câu chuyện thiết kế đặc biệt, rồi những cuộc họp của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng từ giai đoạn 1967 - 1975 dần dần được hé mở trong buổi hội thảo “Vai trò của cơ quan tổng hành dinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975”, diễn ra sáng 14/4 tại Hà Nội. Buổi hội thảo đã thu hút hơn 30 bài phát biểu tham luận, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn và nhiều nguyên cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Di tích thời hiện đại
Thăm lại nhà và hầm D67 hôm nay, dù 47 năm đã trôi qua, Đại tá Nguyễn Văn Tý – nguyên cán bộ Bộ Tư lệnh Công binh vẫn còn nhớ: “Vì vấn đề bảo mật của công trình hết sức quan trọng, nên nhiệm vụ thi công nhà và hầm D67 chỉ do Tiểu đoàn 2 (bao gồm những chiến sĩ có trình độ, ý thức chính trị, gia đình trong sạch) đảm nhiệm. Ngày ấy chúng tôi làm việc theo nguyên tắc bí mật: Làm việc gì biết việc ấy, làm đâu biết đấy, sống để dạ chết mang theo”. Cho dù lúc đó các cán bộ thi công chưa nhận thức được hết giá trị quan trọng của công trình, nhưng ai cũng hồ hởi làm việc ngày đêm để công trình sớm hoàn thành.
Nhà D67 là một trong những công trình kiến trúc quân sự ít ỏi trong kháng chiến chống Mỹ còn tương đối nguyên vẹn, bởi công trình được xây dựng bằng vật liệu bền vững: Sắt, thép, gạch, cát, xi măng, khi có hiện tượng hư hỏng được sửa chữa kịp thời, mặt khác, công trình nằm trong khu vực nghiêm mật, được bảo vệ chu đáo. Trong di tích nhà D67 có Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy TƯ: Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Từ phòng làm việc của hai vị tướng, có đường dẫn xuống hầm D67 (hầm Quân ủy T.Ư). Đi sâu xuống 10m là hệ thống văn phòng của tổng hành dinh ngầm gồm bốn phòng rộng 50m2, chung một hành lang bên phải. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ tổng Tham mưu, nơi quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Hơn nữa, theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Giá trị của công trình không chỉ ở thời chiến, mà trong thời bình cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Quân ủy T.Ư”.
Khi nói về di tích nhà và hầm D67, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng: “Đây là một công trình kiến trúc quân sự giản dị, nhưng giá trị sử dụng rất cao, là một trong các di tích văn hóa quân sự quý giá thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX. Chính vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ di tích cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Bảo tồn thế nào?
Gìn giữ và bảo tồn công trình nhà và hầm D67 là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Tuy nhiên, mảnh đất Hoàng thành Thăng Long phổ hệ những giá trị di sản chồng xếp lên nhau, kéo dài hơn 1000 năm, đã được UNESCO công nhận. Nhà và hầm D67 được xây dựng chồng lên không gian của điện Kính Thiên. Trải qua thời gian, không gian của cung điện nguy nga thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã nằm sâu dưới lòng đất, thế hệ hôm nay lại thêm ước vọng phục hồi, bảo tồn giá trị di sản của cha ông. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra với các nhà khoa học làm sao để hài hòa giữa giá trị di tích cách mạng và di sản văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Làm thế nào phục hồi được điện Kính Thiên mà không đụng chạm đến tính nguyên vẹn của di tích nhà và hầm D67. Rõ ràng bảo tồn hài hòa các tầng di tích là bài toán không dễ giải.
Trung tướng Trần Quang Khánh – nguyên Chánh Văn phòng Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng bảo vệ quan điểm giữ nguyên nhà và hầm D67, còn công trình nghiên cứu điện Kính Thiên có thể được thực hiện trong không gian bên cạnh. Đây là giải pháp giữ gìn di tích hiện đại, một minh chứng rất vẻ vang của một dân tộc nhỏ bé đánh bại đế quốc Mỹ. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Hơn 5 năm, Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới đã đặt ra không ít vấn đề cần giải quyết, đặc biệt mối quan hệ giữa quá khứ và tương lai. Chúng ta sẽ không hậu kim bạc cổ và cũng không bạc cổ hậu kim”. Hiện nay, Hà Nội rất thận trọng lên kế hoạch nghiên cứu hay phục dựng từng công trình, từng hạng mục trong di tích Hoàng thành Thăng Long, để nơi đây ngày càng là di sản tiêu biểu của dân tộc ta và của cả nhân loại với chiều dài trên 1000 năm lịch sử.
Du khách tham quan di tích nhà D67. Ảnh: Công Hùng
|