Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín dụng cho nhà ở xã hội: NHNN bác kiến nghị HoREA, “gói tiếp sức” hậu 30 nghìn tỷ vẫn khát vốn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) liên quan đến lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ đồng, NHNN cho rằng, kiến nghị của Hiệp hội về việc áp dụng chung một mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo NHNN, kiến nghị của HoREA về việc áp dụng chung một mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Lãi suất vay thương mại sẽ được thỏa thuận?
Trước đó, tại Công văn số 53 mới đây, HoREA đã nêu một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2018 – 2020. Theo HoREA thực hiện gói ưu đãi tín dụng 30.000 tỷ đồng, đã có hơn 10.000 người được mua nhà ở xã hội. Sau khi gói ưu đãi này kết thúc đã phát sinh hai vấn đề.

Thứ nhất, kể từ ngày 1/6/2016 đến nay, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xây dựng sở dang đã không còn được tiếp tục vay vốn ưu đãi nên phải vay ngân hàng với lãi suất thương mại (cao gấp đôi, lại khó vay), làm công trình bị kéo dài, thậm chí dở dang đến nay.

Thứ hai, kể từ ngày 1/1/2017, người mua nhà ở xã hội mà chưa được nhận nhà trong năm 2016 thì không được tiếp tục giải ngân vốn tín dụng ưu đãi mà phải chuyển sang vay ngân hàng với lãi suất thương mại khiến người mua nhà lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Ví dụ, điển hình như dự án Bright City (Hà Nội) hay dự án HQC Plaza (tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng và Thống đốc NHNN áp dụng một mức lãi suất ưu đãi 4,8%/năm trong năm 2018 đối với tất cả các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, không phân biệt vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hoặc vay tại các ngân hàng được NHNN chỉ định như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank; cũng không phân biệt trường hợp vay trong năm 2018 để mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 hoặc mua theo Nghị quyết 02 ban hành năm 2013 của Chính phủ (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng).
Trước đó, từ tháng 6/2013, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ, lãi suất ưu đãi 5-6%/năm. Theo quy định của NHNN, việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực là 1/6/2013.

Phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận. Như vậy, những khách hàng mua nhà theo gói 30.000 tỷ, được giao nhà sau 1/6/2016, thì số tiền thanh toán các đợt sau phải chịu lãi suất thương mại.
HoREA cũng kiến nghị áp dụng lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay trong năm 2018 đối với tất cả các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, không phân biệt vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội hay tại các ngân hàng được chỉ định hoặc vay theo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Trong văn bản trả lời, NHNN cho biết, về lãi suất cho vay nhà ở xã hội: hàng năm cơ quan này đã rà soát, căn cứ diễn biến thị trường để ban hành hoặc trình Thủ tướng về các mức lãi suất cho vay ưu đãi. “Mức lãi suất phải phù hợp áp dụng đối với từng chương trình cho vay, đối tượng vay vốn và mục đích vay vốn theo đúng quy định về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở tại Luật Nhà ở, Nghị định 100, Nghị quyết 02/NQ-CP và các văn bản liên quan”- NHNN cho biết. Vì vậy, kiến nghị của HoREA về việc áp dụng chung một mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Về lãi suất nợ quá hạn: Thông tư 39/2016 ngày 30/12/2016 của NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định khi khoản nợ vay bị chuyển quá hạn thì tổ chức tín dụng cho vay áp dụng lãi suất quá hạn không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tài thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Trên cơ sở thẩm định về phương án vay vốn, vốn tự có, nguồn trả nợ cụ thể của từng khách hàng, ngân hàng sẽ thỏa thuận với khách hàng về lãi suất quá hạn và được quy định tại hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật.
 Ảnh minh họa
“Gói tiếp sức” hậu 30 nghìn tỷ vẫn đói vốn

Trong một diễn biến khác, vào ngày 28/5/2018, Bộ Xây dựng cũng có Văn bản số 1248/BXD-QLN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn tín dụng cho lĩnh vực nhà ở xã hội.

Trong văn bản này, Bộ Xây dựng nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, nhiều khó khăn, ách tắc là do nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí; Không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

“Trong các nguyên nhân trên, việc không bố trí được vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân chủ yếu", Bộ Xây dựng đánh giá.

Từ đó, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công khai giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cụ thể là việc bổ sung vốn cho NHCSXH 3.000 tỷ đồng để thực hiện cho giai đoạn đến năm 2020; Cấp cho các tổ chức tín dụng theo đề nghị của NHNN Việt Nam tại văn bản số 9716/NHNN-TCKT ngày 21/12/2016 để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỷ đồng".

Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngay sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, một gói tín dụng chuyển tiếp hỗ trợ người dân mua nhà thu nhập thấp… Tuy nhiên thực tế, kể từ sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, DN và người dân ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lý do là ngân hàng chưa có tiền giải ngân.

Sau hơn 2 năm kể từ ngày Nghị định 100/2015/NĐ-CP ra đời, năm 2018, Chính phủ dành 1.000 tỷ đồng thực hiện chính sách này, trong đó 500 tỷ đồng là ngân sách trung ương cấp; 500 tỷ còn lại được trích từ nguồn huy động của ngân hàng. Lãi suất được áp ở mức 4,8%/năm (0,4%/tháng), quy định tại QĐ 370, do Ngân hàng CSXH thực hiện.

Thông tin cụ thể về nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội, ông Nguyễn Văn Lý Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam cho biết: Trong năm 2018 này ngân sách Nhà nước bố trí 500 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng, thành tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch duyệt của Chính phủ từ nay đến năm 2020, tổng nguồn vốn Chính phủ cấp cho NHCSXH là 1.163 tỷ đồng và chúng tôi phải huy động đối ứng thêm từng ấy nữa. Như vậy, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có nguồn vốn cho vay ra với chương trình cho vay nhà ở xã hội là 2.236 tỷ đồng".

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết thêm, số tiền này rất hạn chế so với nhu cầu hiện nay của người dân. “Nếu dựa trên báo cáo các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn cho vay nhà ở xã hội năm nay là khoảng 5.000 tỷ đồng; Còn kế hoạch Bộ Xây dựng và NHCSXH tính toán thì nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội đến năm 2020 có thể lên tới 18.000 tỷ đồng. – ông Lý chia sẻ. Như vậy, tổng số vốn được cấp cho chương trình cho vay ưu đãi lãi suất 4,8% theo Nghị định 100 chỉ chưa đầy 20% nhu cầu của người dân.

"Bởi thế, trước mắt, có nguồn vốn là 1.000 tỷ đồng ngân hàng sẽ phân bổ về cho các địa phương triển khai cho vay. Ví dụ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được phân về mỗi địa phương 50 tỷ đồng, Hải Phòng 10 tỷ đồng; Bắc Giang 30 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng…", ông Lý cho biết.

Riêng TP Hà Nội, với số tiền 50 tỷ đồng được phân bổ, ông Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hà Nội, cho biết: Nguồn vốn này chỉ dành cho người dân thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, không dành cho vay với các DN xây dựng nhà ở xã hội. Ngân sách nhà nước không thể đáp ứng 100% nhu cầu vay của người dân. Trong điều kiện ngân sách hiện nay, nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay của người dân mua nhà ở xã hội là rất lớn. “NHCSXH Hà Nội được phân giao 50 tỷ đồng, tính trung bình mức vay mua nhà xã hội thì chỉ khoảng 150 người có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Đây là con số nhỏ so với hàng ngàn hộ gia đình thuộc đối tượng được vay đang có nhu cầu vay vốn ưu đãi trên địa bàn Thủ đô”, ông Hoàng Liên Sơn nói.
Để được vay vốn theo Nghị định 100 100/2015/NĐ-CP đối tượng phải là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các DN trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và QĐND; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.