Kinhtedothi - Quý IV hàng năm là mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh. Nắm được quy luật này, các ngân hàng đã tung nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như giảm lãi suất cho vay, tăng các chương trình ưu đãi… Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, khi nhu cầu tăng, ngân hàng sẽ rộng đường cho vay hơn.
Lãi suất giảm sâu
Cuối tuần qua, nhiều ngân hàng lớn đã công khai điều chỉnh biểu lãi suất cho vay theo hướng giảm. Cụ thể, Agribank áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng tối đa 7%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn; dự án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao. Lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được ngân hàng này áp dụng tối đa 10,5%/năm đối với cho vay trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.
Làm thủ tục vay vốn tại ABBank. Ảnh: Nha Trang
|
Từ đầu tháng 11, BIDV chính thức giảm lãi suất cho vay bằng VND ở tất cả các kỳ hạn với mức giảm từ 0,5 - 0,8%/năm. Với các lĩnh vực ưu tiên, BIDV áp dụng mức lãi suất cho vay ở mức 7%/năm.
Các ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, VPBank… cũng điều chỉnh giảm lãi vay và dành nhiều tỷ đồng nguồn vốn lãi suất thấp cho DN. Bà Bùi Thị Như Ý - Phó Tổng Giám đốc VietinBank khẳng định, ngân hàng này một mặt sẽ điều chỉnh hạ lãi suất để đẩy mạnh cho vay, một mặt sẽ cắt giảm thêm chi phí thường xuyên để vừa chia sẻ khó khăn với DN, vừa đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của ngân hàng.
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Hà Nội, hiện, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7 - 8%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9 - 10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn áp dụng mức lãi suất cho vay khách hàng tham gia chương trình kết nối ngân hàng DN ở mức 6 - 8% đối với các khoản vay ngắn hạn; 8 - 10,5% đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Kích thích tăng trưởng toàn hệ thống
Theo các chuyên gia kinh tế, việc lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm tuy chưa thể tác động mạnh đến quyết định vay vốn của DN, song sẽ khuyến khích được một bộ phận DN tiếp cận ngân hàng. Từ đó, kích thích tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.
Quý III/2014, ABBank triển khai hai chương trình ưu đãi về lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân với tổng ngân sách 1.700 tỷ đồng kéo dài đến hết 31/12/2014. Đến nay, hai chương trình đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực từ thị trường và thu được kết quả khả quan với số tiền phát vay ra đạt gần 1.200 tỷ đồng, tương đương 70,4% mục tiêu kế hoạch tính đến 8/11/2014. Lãnh đạo ABBank cho biết, ngân hàng chủ trương tiếp tục tập trung vào việc tăng tỷ trọng tín dụng cá nhân, đồng thời tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại theo thời gian vay, theo số tiền và theo sản phẩm để phục vụ khách hàng một cách linh động nhất.
Tính đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đã cải thiện ở mức tăng 7,85%. Nhiều ngân hàng tỏ ra khá lạc quan về tăng trưởng tín dụng của cả năm. Ông Nguyễn Danh Lương - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, 10 tháng đầu năm, Vietcombank đã tăng trưởng tín dụng gần 10%, khả năng cả năm sẽ đạt 16%. "Với tình hình kinh tế đang diễn biến tích cực, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt mục tiêu 12 - 14% và năm 2015 có thể tăng 16%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, các ngân hàng phải cố gắng cân đối để giảm lãi suất cho vay nhiều hơn nữa, tạo động lực cho DN vay vốn" - TS Trần Hoàng Ngân nhận định.
Với một quốc gia phát triển dựa vào vốn như Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng tín dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đối với các ngân hàng, mà đối với cả nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh chung của nền kinh tế.