Điều này đã gây ra nhiều lo ngại về việc thanh khoản ngoại tệ có thể chịu những áp lực nhất định khi chênh lệch giữa lãi suất cho vay VND và ngoại tệ vẫn ở mức khá xa nhau.
Nhiều lo ngại
Trong Báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tiếp tục đề cập những áp lực đối với ngoại tệ. Trong khi tiền gửi bằng ngoại tệ vào các tổ chức tín dụng giảm thì cho vay lại tăng. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ngoại tệ tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 95,5% trong tháng 5/2014.
Bên cạnh đó, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,4%/năm và dao động mạnh hơn. Với những dữ liệu này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thanh khoản đối với ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định.
Con số tăng trưởng hơn 9% của tín dụng ngoại tệ phản ánh sự đón nhận của doanh nghiệp (DN) trong việc vay vốn. Với một môi trường tương đối ổn định, nhiều DN chọn vay USD với lãi suất thấp hơn nhiều so với VND, trong khi rủi ro tỷ giá đã được "bảo hiểm" bằng cam kết giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Hiện, lãi suất ngoại tệ đang thấp hơn lãi suất VND tới 4 - 5%/năm: Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 9 - 11%/năm nhưng lãi suất cho vay USD chỉ ở mức 3 - 6%/năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, các ngân hàng sẽ cho vay vượt quá khả năng huy động và rủi ro thanh khoản ngoại tệ sẽ gia tăng, nhất là ở thời điểm cầu ngoại tệ lớn vào cuối năm. Tín dụng ngoại tệ tăng trở lại đồng nghĩa với tình trạng đô la hóa nền kinh tế có dấu hiệu tăng lên. Trước đó, năm 2009, lãi suất USD thấp hơn lãi suất VND nên các DN đổ xô vay ngoại tệ sau đó chuyển sang VND. Năm 2010, tín dụng VND chỉ tăng 25,3% trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 49,3% nên trong báo cáo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế nhận định, Việt Nam rơi vào tình trạng đô la hóa tín dụng.
Nâng cao giá trị VND
Trước những lo ngại về việc tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, nhiều DN hàng tồn kho chậm tiêu thụ, chưa có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất nên chưa vay vốn ngân hàng, một số DN do năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án..., nên tín dụng ngân hàng vẫn khó mở rộng. Bởi vậy, trong điều hành hoạt động tín dụng, NHNN đã có những giải pháp linh hoạt. Cụ thể, NHNN đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ. Số liệu cho thấy, đến cuối tháng 5, tín dụng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,51%. "Nếu không có sự linh hoạt này, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 5 khó có thể tăng được 1,51%. Việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế" - bà Hồng khẳng định.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nguồn tín dụng này có ý nghĩa hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua, đặc biệt là các DN xuất khẩu. Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tín dụng ngoại tệ tăng gần 10% trong 6 tháng đầu năm là không đáng lo: "Trong bối cảnh tín dụng VND không tăng được thì tín dụng ngoại tệ tăng là dấu hiệu đáng mừng bởi hiện nay, kinh tế vẫn phục hồi rất chật vật".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu dài hạn của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ. Muốn thực hiện được điều này, không còn cách nào khác là nâng cao giá trị VND. Các giải pháp như thu hẹp đối tượng cho vay USD, giảm lãi suất huy động ngoại tệ, chuyển mạnh quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ… là các giải pháp đang được NHNN quyết liệt thực hiện.
Đại diện NHNN khẳng định, mặc dù linh hoạt trong ngắn hạn khi điều hành tín dụng ngoại tệ, nhưng NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống tình trạng đô la hóa nền kinh tế, tiếp tục thực hiện các biện pháp, công cụ điều hành để đạt được mục tiêu này.
Nhiều doanh nghiệp đã chọn vay USD với lãi suất thấp hơn VND để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tôn tấm tại Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Thủ đô. Ảnh: Trần Việt
|