Mỗi ngày, hàng loạt các tin nhắn với nội dung quảng cáo, khuyến mại, mời chào tải game, ảnh, kết quả sổ xố… liên tục được gửi đến, ngay cả lúc nửa đêm, gây không ít phiền phức cho người sử dụng ĐTDĐ. Mặc dù, nhiều giải pháp xử lý, ngăn chặn đã được đưa ra, nhưng tin nhắn "rác" vẫn tiếp tục "hành" người sử dụng ĐTDĐ. Nguy hiểm hơn, tin nhắn "rác" ngày càng phát triển đa dạng dưới nhiều hình thức và nội dung, trong đó có cả tin nhắn dưới dạng lừa đảo. Nhiều người sử dụng ĐTDĐ cả tin khi làm theo cú pháp được hướng dẫn trong nhiều dạng tin nhắn đã bị mất đến 15.000 đồng/lần nhắn tin. Thậm chí, người viết bài này còn nhận được tin nhắn chào bán sim số đẹp với giá hàng triệu đồng. Tuy nhiên, khi liên lạc với số điện thoại được chào bán thì đây là thuê bao đã có chủ sở hữu và người này hoàn toàn không hề có ý định bán số sim này?
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Công ty An ninh mạng Bkav cho biết, hiện nay tin nhắn "rác" tồn tại chủ yếu dưới 3 hình thức. Thứ nhất, các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động, tức là các dịch vụ tải nhạc chuông, hình nền, xem kết quả sổ xố... Gần đây, xuất hiện thêm loại dịch vụ bói toán, lô đề… Đây cũng là mảng chiếm số lượng lớn nhất trong các chủng loại tin nhắn "rác". Thứ hai, quảng cáo, marketing như các cửa hàng, siêu thị… có các chương trình giảm giá, khuyến mại. Thứ ba, tin nhắn lừa đảo, phổ biến nhất là gửi tin nhắn đến để lừa, dẫn dụ người sử dụng, người nhận được tin nhắn "rác" gọi vào một số điện thoại trả tiền hoặc nhắn tin để nạp tiền điện thoại… Tháng 10/2012, Công ty Bkav đã tiến hành khảo sát lượng tin nhắn "rác" với 50.000 người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, mỗi ngày có 16.290 tin nhắn "rác" được gửi tới các thuê bao di động. Như vậy, bình quân cứ 3 ngày mỗi người dùng lại nhận một tin nhắn "rác". Đối với những thuê bao thường xuyên bị tin nhắn "rác" làm phiền, họ phải nhận hơn hai tin nhắn "rác" một ngày. "Nhiều thời điểm, hệ thống của chúng tôi ghi nhận có đến 2% người dùng (khoảng 1.000 người) nhận hơn mười tin nhắn "rác" mỗi ngày" - ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, các hình thức tin nhắn "rác" này đều vì lợi nhuận của một số đối tượng nhất định và đó là nguyên nhân vì sao hiện nay tin nhắn "rác" lại bùng nổ như vậy.
Để hạn chế tình trạng tin nhắn "rác" tràn lan như hiện nay, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, cần phải có biện pháp đồng bộ giữa các bên liên quan. Đối với các chủ thuê bao cần cảnh giác với những tin nhắn "rác" để tránh mất tiền. Quan trọng hơn là về phía người sử dụng, có thể tự bảo vệ bằng cách trang bị các phần mềm có khả năng chặn tin nhắn "rác". Bên cạnh đó là vai trò quản lý của cả nhà mạng và các cơ quan chức năng. Đầu tiên là nhà mạng, nơi chuyển tải tin nhắn đến cho người sử dụng, cần triển khai tăng cường các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn "rác". Về phía các cơ quan chức năng, các đầu số cung cấp nội dung trên ĐTDĐ đều phải có đăng ký. Như vậy, khi phát hiện đầu số phát tán tin nhắn "rác" thì có thể thu hồi đầu số, phạt tiền chủ sử dụng thật nặng… "Trước đây đã có xử lý một vài trường hợp nhưng chỉ ở dạng nhỏ, lẻ nên hiệu quả chưa được triệt để" - ông Sơn chia sẻ.