Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế ngày 21/5/2024: lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng bất ngờ lao dốc; lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng, vượt 6%/năm; dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/5.

Giá vàng bất ngờ lao dốc

Giá vàng thế giới trong ngày 21/5 giao ngay ở mức 2.409,65 USD/ounce, giảm 27,63 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 21/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 88,5 – 90,5 triệu đồng/lượng giảm 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 88,6 – 90,4 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 76,06 – 77,56 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 70.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 270.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng, vượt 6%/năm

Ghi nhận những ngày qua, biểu lãi suất ngân hàng liên tục sôi động khi việc tăng lãi suất xuất hiện liên tục ở các ngân hàng. Mặc dù chưa đến giữa tháng 5 nhưng thị trường ghi nhận đã có 17 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm: GPBank, NCB, BVBank, CBBank, VIB, Bac A Bank, Sacombank, TPBank, PGBank, Viet A Bank, Eximbank, VPBank, SeABank, Techcombank, HDBank, MB.

Tin tức kinh tế ngày 21/5/2024: lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 21/5/2024: lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng. Ảnh minh hoạ.

Đáng chú ý, sau tăng lãi suất, thị trường ghi nhận nhiều mốc đỉnh mới tại nhiều kỳ hạn. Đơn cử, HDBank sau tăng lãi suất đã vượt lên đứng đầu tại nhiều kỳ hạn với lãi suất trên 6%/năm, CBBank sau 2 lần tăng lãi suất cũng trở thành top ngân hàng có lãi suất cao nhất.

Dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD

4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 6,3% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết hết quý III/2024 và đang đàm phán thêm đơn hàng cho quý IV. Với đà này, nhiều nhận định đưa ra, mục tiêu xuất khẩu dệt may cả năm khoảng 44 tỷ USD hoàn toàn khả thi.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết một tín hiệu đáng chú ý khác là nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, châu Âu… đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.

Giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 8,58% kế hoạch

Theo báo cáo của các bộ, ngành Trung ương và số liệu từ hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 15/5/2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao, trong đó 2 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10% (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN&PTNT), 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Dự kiến đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021 - 2023.

Đánh giá chung của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 (27,2%), 6 tháng đầu năm 2022 (15,9%) và cao hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2021 (12,11%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân này còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đòi hỏi các bộ, ngành và các chủ dự án cần triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, mặc dù số lượng các dự án/tiểu dự án được giao kế hoạch vốn của 10 bộ, ngành là 31 dự án/tiểu dự án nhưng mới chỉ có 14/32 dự án/tiểu dự án đã giải ngân; 17 dự án/tiểu dự án đã được giao dự toán nhưng chưa giải ngân.

Thị trường xuất khẩu thép nhiều tín hiệu tích cực

Đơn hàng xuất khẩu thép từ đầu năm đến nay duy trì đà phục hồi tốt. 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép thu về hơn 3 tỷ USD với hơn 4 triệu tấn, tăng 25,8% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm cho thấy tín hiệu khả quan về ngành thép trong năm 2024. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thép đạt 11,1 triệu tấn, trị giá 8,35 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và 4,5% về trị giá so với năm 2022.