Giá cà phê bất ngờ tăng sốc
Trên thế giới, 2 sàn London và New York ngày 3/4 đồng loạt tăng nóng. Trong đó, giá Robusta trên sàn London giao tháng 5/2024 tăng tới 184 USD; chạm mốc 3.663 USD/tấn. Và kỳ hạn giao tháng 7/2024 cũng tăng nóng 184 USD; lên ngưỡng 3.580 USD/tấn.
Còn trên sàn New York, giá Arabica giao tháng 5/2024 tăng mạnh 5,95 cent; lên mức 197,75 cent/lb. Và kỳ hạn giao tháng 7/2024 tăng tới 6 cent; đạt ngưỡng 197,10 cent/lb.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê hôm nay tăng mạnh, thiết lập mốc cao chưa từng có, vượt 101.000 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên quanh mốc 100.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Lâm Đồng tăng 3.000 đồng/kg, lên mức 101.200 đồng/kg. Ghi nhận giá cà phê hôm nay tại Gia Lai tăng 2.800 đồng/kg, nâng giao dịch lên mức 101.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk tăng 2.800 đồng/kg, lên mức 101.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông ghi nhận giao dịch cao nhất cả nước, tăng 2.900 đồng/kg, lên mức 101.700 đồng/kg.
Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho do vướng quy định về xuất khẩu
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa có công văn kiến nghị Chính phủ, trong đó phản ánh về quy định xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế theo Quy định Thông tư 48/2018-TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế.
Theo VPSA, các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại Lào Cai và Yên Bái gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khi tất cả các loại tinh dầu đều phải áp dụng các quy định về kinh doanh dược liệu, không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Năng lực chế biến quy mô nhỏ lẻ nên làm phát sinh rất nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong khi đây là sản phẩm giá trị gia tăng, giúp khai thác và tận dụng tối đa 100% giá trị cây quế.
Do việc quy định và quản lý mặt hàng tinh dầu quế hiện nay theo các quy định trên đã gây khó khăn do doanh nghiệp muốn xuất khẩu mặt hàng này. Tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn và ước tính hết vụ quế mùa Xuân tháng 3 - 4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu nữa. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn.
Giá vàng thế giới lập đỉnh mới
Theo cập nhật giá vàng thế giới ngày 3/4, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.278,2, USD/ounce, tăng 13,2 USD/ounce so với giá vàng chốt phiên giao dịch.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 3/4, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 79,1 – 81,12 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78,9 – 81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và giảm 100 đồng/kg ở chiều bán ra so chốt phiên hôm qua.
Giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 70,43 – 71,63 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam phát hành trở lại hóa đơn điện tử xăng dầu sau vụ tấn công mạng
Lãnh đạo của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, PVOIL đã nhanh chóng có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng và khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với sự hỗ trợ kịp thời và tích cực của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 - Bộ Công an, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị tư vấn về an ninh mạng và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, PVOIL đã điều tra nguyên nhân và từng bước khắc phục sự cố, dự kiến sẽ đưa các ứng dụng hoạt động trở lại trong 1 đến 2 ngày tới.
Đặc biệt, trên tinh thần đảm bảo cung ứng liên tục xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ra thị trường, với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Tổng cục Thuế và Cục Thuế các địa phương, PVOIL đã nghiên cứu và triển khai giải pháp tạm thời nhằm duy trì việc phát hành hóa đơn điện tử trong thời gian khắc phục sự cố. Cụ thể, đến 15 giờ hôm nay 3/4, PVOIL đã có thể phát hành Hóa đơn điện tử và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ qua hệ thống của một đơn vị cung cấp dịch vụ.
Dự kiến hệ thống quản lý và phát hành Hóa đơn điện tử của PVOIL sẽ hoạt động trở lại bình thường vào cuối tuần này.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 53 triệu USD
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới là nước cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc, tuy nhiên chủ yếu xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chế biến thấp.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong 16 ngày đầu tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 12.368 tấn hồ tiêu, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53 triệu USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Liên Thành đạt 1.276 tấn, Olam Việt Nam đạt 1.139 tấn, Nedspice Việt Nam đạt 957 tấn, Phúc Sinh đạt 900 tấn, Haprosimex JSC đạt 824 tấn.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu, quế, hồi, ớt, đậu khấu, gừng, nghệ… đạt 1,257 tỷ USD. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị dự kiến trong 5 năm tới, tổng kim ngạch xuất khẩu gia vị của Việt Nam sẽ đạt 2,2 tỷ USD.