Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tưởng và kỳ vọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã trải qua một chặng đường phát triển với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực vượt qua để đưa Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội vững mạnh của cả nước.

Chia sẻ về những thành tựu của Thủ đô đã đạt được trong những năm qua, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân và nhiều người dân đều tin tưởng và kỳ vọng, Hà Nội sẽ tiếp tục có nhiều thành công trên chặng đường phát triển.

 
Tin tưởng và kỳ vọng - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị An: Nhiều chuyển biến rõ nét

Ngoài việc diện tích Thủ đô rộng ra, dân số tăng hơn, theo tôi, điểm ghi nhận đầu tiên rõ nhất về Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính là bộ mặt nông thôn có nhiều đổi khác theo hướng tích cực. Điều đó thể hiện rõ nét ở việc cơ sở hạ tầng được đầu tư nhiều, trường học, trạm y tế đạt chuẩn tăng hơn. 70% số xã, phường của TP đạt chuẩn quốc gia về y tế, đấy là một con số rất đáng nhớ. Đặc biệt, việc TP đã đầu tư kinh phí, cơ chế để xóa các điểm trường mầm non xuống cấp về cơ sở vật chất ở ngoại thành, giải quyết việc  trắng trường ở một số nơi, có thể coi là một dấu ấn trong những năm qua. Một điều đáng mừng là Hà Nội đã đưa ra được nhiều chương trình, đề án, mục tiêu cho từng giai đoạn, từ đó giải quyết các vấn đề bức thiết đặt ra. Tôi hy vọng rằng, sau dấu mốc 5 năm, Hà Nội sẽ tiếp tục thực thi các chương trình, mục tiêu ấy thật hiệu quả, để nâng cao đời sống người dân, khắc phục được những hạn chế hiện tại.

Ông Trịnh Hải - Phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình:Thủ đô đã có những thay đổi tích cực

Mặc dù 5 năm thực hiện chủ trương mở rộng địa giới của Thủ đô chưa phải là một thời gian dài nhưng tôi cũng như những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đều nhận thấy diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt, trong khi văn hóa của người Hà Nội đang bị phôi pha dần theo năm tháng, theo tốc độ đô thị hóa nhưng tôi hy vọng, những nét tinh hoa, độc đáo của văn hóa Thăng Long, văn hóa Xứ Đoài có sự hòa quyện và hình thành nên một nền văn hóa chung, mang tính thời đại và phản ánh chân thực nét đẹp của tâm hồn người Hà Nội trong thời đại mới.

 
Tin tưởng và kỳ vọng - Ảnh 2
Ông Nguyễn Đăng Thắng - Trưởng thôn Hạ, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức: Cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội ở nông thôn được nâng lên rõ rệt

Nhờ có sự quan tâm đầu tư của TP, cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội ở nông thôn được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã đều được bê tông hóa nên việc đi lại của nhân dân khá thuận tiện, không còn cảnh lầy lội như trước nữa. Đặc biệt, hệ thống các trường học đều được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, nhất là trường mầm non xã đã đạt chuẩn quốc gia nên các hộ dân yên tâm gửi con để sản xuất vì địa bàn xã có làng nghề dệt khăn. Cùng với đó, đồng ruộng được dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại, hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương được cứng hóa nên sản xuất rất thuận lợi, năng suất cây trồng tăng. Có thể nói 5 năm về với Thủ đô, bộ mặt nông thôn của xã như được "thay da đổi thịt", đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

 
Tin tưởng và kỳ vọng - Ảnh 3
Ông Phạm Kim Tinh  - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Phú Xuyên: Đổi mới phương thức lãnh đạo, nói đi đôi với làm

Hà Nội mở rộng, khu vực ngoại thành được TP quan tâm mọi mặt, nhất là nông nghiệp, nông thôn… Đối với Phú Xuyên, hai năm 2010 - 2011, được sự hỗ trợ của TP, huyện đã tu sửa, xóa bỏ 700 nhà dột, nát cho người nghèo. Đặc biệt hạ tầng giao thông, 5 năm qua, nhiều tuyến đường được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, cải tạo, nâng cấp như như QL1A (đoạn qua huyện); đường về làng nghề xã Tân Dân; Guột - Quang Lãng; Minh Tân (đường 428), Nam Triệu... được lắp đèn cao áp, người dân đi lại thuận lợi, an toàn giao thông bảo đảm. Đặc biệt, công tác, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các địa phương cũng rõ nét hơn, ví như các hoạt động của MTTQ không còn chung chung, mà gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và TP.

 Với tác phong "nói đi đôi với làm" đã tác động mạnh đến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ cơ sở. Có thể khẳng định, sau 5 năm về Hà Nội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Phú Xuyên vô cùng phấn khởi và tự hào là công dân Thủ đô Hà Nội và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của TP, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

 
Tin tưởng và kỳ vọng - Ảnh 4
Ông Đinh Công Đoán - phường Kiến Hưng, quận Hà Đông: Đời sống người dân ngày càng được nâng cao

Trong những năm gần đây, công tác xóa đói giảm nghèo làm tốt nên cuộc sống người dân đã được nâng lên nhiều so với trước đây. Việc UBND TP và quận Hà Đông quy hoạch những hộ làm nghề tập trung là việc rất tốt sẽ góp phần nâng chất lượng sản phẩm làng nghề và bảo vệ môi trường. Đề nghị, TP có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng sớm để chúng tôi yên tâm sản xuất ở khu đất dành cho làng nghề. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn việc làm ít, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, vì vậy rất mong TP hỗ trợ để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nghề như vậy mới cạnh tranh được với các sản phẩm của khác.

Chị Đỗ Thị Loan - Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh: Bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đã đem lại nhiều thay đổi về diện mạo nông thôn. Đặc biệt, là công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được chú trọng, cảnh quan xóm làng, phố xá trở nên sạch đẹp hơn. Ngoài ra, TP đã triển khai một số tuyến xe buýt chạy qua các xã trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Tôi cũng mong muốn, TP tiếp tục triển khai nhiều chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đồng thời, quan tâm đầu tư tu bổ các di tích lịch sử văn hóa để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương và duy trì tinh thần đoàn kết cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Mê Linh nói riêng và TP nói chung.

 
Tin tưởng và kỳ vọng - Ảnh 5
Ông Trần Lợi - Trưởng thôn Đông Viên,xã Đông Quang, huyện Ba Vì: Hộ nghèo có cơ hội được vay vốn phát triển sản xuất

5 năm qua, các chương trình, chính sách của Nhà nước đến với người dân thường xuyên hơn. Đặc biệt, mức đầu tư của TP dành cho sản xuất nông nghiệp cũng lớn hơn trước, các hộ nông dân, nhất là hộ nghèo có cơ hội được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Vị thế của Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Do đó, tôi mong muốn, thời gian tới, TP tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế ở các vùng ngoại thành, nhất là những vùng khó khăn như huyện Ba Vì, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn TP.

Ông Dương Trung Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ba Vì, huyện Ba Vì: Sự quan tâm là động lực để phát triển

Sau hợp nhất, TP đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, quan tâm sâu sát đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa. Điều đó thể hiện qua các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng, giáo dục, y tế ngày càng được quan tâm nhiều hơn nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Một hoạt động xã hội khác có ý nghĩa lớn là việc các tổ chức, đoàn thể, lãnh đạo các ban, ngành TP thường xuyên quan tâm, tặng quà đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc mỗi dịp lễ, tết, những ngày lễ lớn. Những sự quan tâm, động viên ấy chính là động lực để đồng bào các dân tộc chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự sau khi mở rộng địa giới hành chính.

 
Tin tưởng và kỳ vọng - Ảnh 6
Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội: Cơ hội để mở rộng hệ thống bán lẻ

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích Hà Nội tăng lên đáng kể, đây là cơ hội để các doanh nghiệp thương mại mở rộng hệ thống bán lẻ. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một trong những đơn vị đã, đang tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các công ty thương mại có tiềm lực tại các huyện trên địa bàn TP để tăng số lượng công ty thành viên, từ đó tổ chức hệ thống đại lý tiêu thụ hàng hóa cũng như xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại. Trong những năm qua, Hapro đã tích cực thực hiện Chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về với nhân dân địa phương thông qua chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", góp phần xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội, từ đó giúp người dân tiếp cận với phương thức kinh doanh thương mại hiện đại. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2015, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapro Mart cơ bản phủ kín các huyện, nhất là vùng sâu, vùng xa…

Ông Nguyễn Doãn Hoàn - Bí thư Huyện ủy Thạch Thất: Mang đến sự đổi thay từng ngày

Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, TP đã đạt được kết quả khả quan trên mọi lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, an ninh chính trị, an toàn xã hội ổn định, công tác y tế, giáo dục và mọi mặt xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư rất lớn của TP cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, mỗi nơi hàng ngàn tỷ đồng. Từ đó, đem đến sự đổi mới nhanh chóng ở mỗi địa phương từ hệ thống giao thông nông thôn, cơ sở vật chất thiết yếu điện - đường - trường - trạm ngày càng khang trang, các khu đô thị, cụm, điểm công nghiệp... ngày càng phát triển. Đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng cao hơn thông qua thu nhập, lao động, việc làm, qua các công trình văn hóa cộng đồng...

Ông Đỗ Lai Luật - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai: Đã bắt kịp xu hướng tăng trưởng

"Sau hợp nhất, mọi hoạt động, công tác của các cơ quan Nhà nước đã nhanh chóng ổn định và đi vào nền nếp. TP quan tâm đầu tư rất lớn cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của tất cả các địa phương. Đặc biệt, khu vực nông thôn của Thủ đô đang đổi thay từng ngày. Từ đó, trong nhận thức của mỗi người cũng phải có sự thay đổi để bắt kịp với xu hướng phát triển. Chẳng hạn, nếu trước đây việc xây dựng nhà cửa theo kiểu "mạnh ai nấy làm" thì hiện nay, mọi người dân đều đã hiểu, muốn xây dựng công trình, phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Nhưng theo tôi, trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng cũng phải linh hoạt áp dụng các quy định sao cho phù hợp thực tế. Tôi cho rằng, để tạo thuận lợi cho người dân trong học tập, lao động thì cần phải quan tâm giải quyết từ vấn đề nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày.

 
Tin tưởng và kỳ vọng - Ảnh 7
Ông Nguyễn Quốc Bình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel: Tăng cường đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao

Không thể phủ nhận Hà Nội mở rộng về địa giới hành chính đã và sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, như tiếp cận được nhiều đất đai, mặt bằng sản xuất hơn, đáng kể có nhiều khu, cụm công nghiệp như Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Quang Minh (Mê Linh) hay khu Hanssip (Phú Xuyên)… Trong đó, Hanssip (KCN hỗ trợ Nam Hà Nội) là dự án có quy mô lớn nhất thuộc loại này ở phía Bắc, do Hanel hợp tác với Công ty N&G đầu tư. Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong, chủ lực của Hà Nội trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Hanel luôn xác định cần đóng góp thiết thực vào hiện thực hóa các chủ trương của lãnh đạo TP. Do đó, doanh nghiệp rất mong Chính phủ và TP có những chính sách hỗ trợ chi phí GPMB và đất đai; hỗ trợ về nguồn vốn, cải cách mạnh mẽ thủ tục và cơ chế đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cần những chính sách thuyết phục hơn đối với các nhà đầu tư vào khu công nghệ cao, KCN hỗ trợ, công viên phần mềm. UBND TP cần cụ thể hóa cơ chế chính sách của Chính phủ và Hà Nội đối với từng dự án hạ tầng công nghệ cao bằng các quyết định riêng cho từng dự án, để các nhà đầu tư công nghệ trong và ngoài nước yên tâm đầu tư.