Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ven đô như cô gái đẹp du khách dừng lại ngắm trên đường đi vãn cảnh. |
Cũng theo vị Tổng Giám đốc này, muốn bất động sản du lịch ven đô phát triển, cứ ước mơ nhưng cần thực tế. "Cuộc sống vật chất và tinh thần ở Việt Nam chưa đủ để nhà đầu tư đồng ý xây dựng khu vui chơi giải trí thương hiệu Disneyland. Tại thị trường của Việt Nam, dù xuất hiện nhiều địa điểm với tên gọi gợi nhắc đến Disneyland, nhưng như đã phân tích và khẳng định cái chuẩn thật sự chưa có. Đừng tô vẽ và “ca tụng hóa” những khu giải trí na ná… Disneyland" - ông Khánh nói.
Ông Khánh đưa ra số liệu thống kê đáng chú ý: “Tại buổi tọa đàm vừa qua do đơn vị tư vấn ngoại CBRE tổ chức, các con số được đưa ra cho thấy lượng cung quá nhiều, vượt ngưỡng cầu. Cụ thể, dự kiến đến hết 2018, tại Phú Quốc, khách sạn 4, 5 sao từ 8.000 phòng sẽ bật lên 15.000 phòng trong năm 2020. Cùng chiều diễn biến, tại Nha Trang, Đà Nẵng hiện có tương ứng 28.000 và 2.000 phòng nhưng đến năm 2020 “nhảy cóc” thành 34.000. Tương tự ở Hạ Long (Quảng Ninh) cũng tăng từ 8.000 phỏng tăng hơn 14.000 phòng”.
Cũng theo các chuyên gia am tường về du lịch nghỉ dưỡng, nghịch lý của dòng sản phẩm này là số phòng quá lớn nhưng công suất tịnh tiến không đáng kể. Việt Nam rất đẹp, nên thơ, hội đủ yếu tố để phát triển du lịch song chưa được như kỳ vọng. Sự thiếu bản sắc văn hóa, hay giới trong nghề gọi là cái “gu” riêng để hấp dẫn khách du lịch nước ngoài quay trở lại trở thành khoảng trống chưa có lời giải.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, du lịch ven đô hiện nay hầu hết đều mang tính tự phát, kể cả Hà Nội và các tỉnh lân cận như Phú Thọ. Sản phẩm du lịch còn hạn chế, cơ sở hạ tầng còn kém và chưa đồng bộ nên chưa tạo được sức hút và mang lại nguồn lợi cao về kinh tế.
“Cần đa dạng hoá sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Phát triển du lịch ven đô có thể gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng dân cư, giúp các đơn vị dịch vụ tăng doanh thu để từ đó đóng góp vào ngân sách” - ông Thản nhìn nhận.
Tiềm năng du lịch ven đô là rất lớn nhưng Chủ tịch Hanta chỉ rõ, cần có chiến lược phát triển sản phẩm, phân bổ nguồn lực và trách nhiệm hợp lý cho cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư.
Cần đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu nhất cho khách như an ninh trật tự, viễn thông, khu vệ sinh, đường đi, ẩm thực địa phương, văn hoá dân gian và các sản vật địa phương… Ngoài việc tạo nên sự đồng bộ trong phát triển du lịch, phải tạo nên các quần thể để du khách có thể ở lại lâu hơn và có nhiều dấu ấn hơn.
Ông Thản cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều DN Việt hiện vẫn chưa đủ tầm để quan tâm phát triển du lịch ở các khu vực ven đô. Nếu có quan tâm thì cũng chưa đủ lực để đầu tư.
“Vì vậy cần có thời gian lan toả tiềm năng phát triển du lịch ven đô đến các địa phương và doanh nghiệp, dẫn dắt họ phát triển bền vững và xây dựng một tầm nhìn dài hạn” - ông Thản nhận định.