Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh giản biên chế trong các cơ quan Đảng, đoàn thể: Khó mấy cũng phải làm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với quyết tâm cao độ.

Không chỉ ở khối chính quyền như những đợt tinh giản “thường niên” trước kia, lần này, khối các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội sẽ “làm mẫu” với yêu cầu rất cao về tiến độ, chất lượng.

Tinh gọn, hiệu quả hơn

Điều này thể hiện rõ qua Kế hoạch số 12-KH/TU, ngày 5/5/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Kế hoạch 12 của Thành ủy hướng tới sự tinh gọn, thực sự hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; giảm bớt khâu trung gian; tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách.
Cán bộ làm việc tại UBND quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ làm việc tại UBND quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
Thành ủy yêu cầu, đối với các cơ quan hành chính, trên cơ sở rà soát, nêu rõ những nhiệm vụ nào chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị; những nhiệm vụ nào không cần thiết hoặc làm thiếu hiệu quả để chuyển sang các tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện. Đánh giá thực trạng số biên chế và lao động hợp đồng so với biên chế được giao hiện nay, dự kiến số lượng biên chế sẽ tinh giản, dôi dư sau xắp xếp, kiện toàn và phương án bố trí, giải quyết. Đối với các đơn vị sự nghiệp, phải đánh giá thực trạng công việc được giao và số lượng lao động; kết quả thu, chi tài chính 3 năm gần nhất, dự báo khả năng tự chủ về kinh phí của đơn vị…

Thành ủy yêu cầu, đối với các Ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của TP, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Báo Hà Nội mới, Ban Thường vụ các Đảng ủy khối, Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy cần thực hiện việc rà soát, đánh giá, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy xong trước ngày 15/6/2016. Từ đó xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy thẩm định, phê duyệt trước ngày 30/11/2016.

Đánh giá cụ thể, không cào bằng

Với khối lượng công việc rất lớn như vậy, lại là việc khó, việc mới vì động chạm trực tiếp đến người lao động, tuy nhiên, tại hội nghị triển khai mới đây của Thành ủy, tất cả các Bí thư cấp ủy đều khẳng định phải quyết liệt thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy, một số ý kiến cho rằng rất cần những cách làm phù hợp, đi kèm cơ chế chính sách cụ thể làm sao không chỉ giảm “cơ học”, quan trọng hơn là nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, khó khăn đầu tiên khi triển khai là nhận thức: “Không ít cán bộ lúc nào cũng nghĩ sắp xếp lại là phải cắt giảm, rồi không biết mình hay người thân có nằm trong diện ấy không. Vì vậy, cần làm tốt tuyên truyền để cán bộ, công chức thấy rằng, mục tiêu cao nhất ở đây hướng đến là chất lượng hoạt động”.

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho rằng, cần có biểu mẫu dự báo 3 năm tiếp theo, khi mô tả vị trí việc làm phải đánh giá cụ thể, rõ số người thực hiện. “Như nhân lực của Ban quản lý dự án một quận đang giai đoạn phát triển cao điểm, có khi cả nghìn tỷ đồng, chắc chắn sẽ cần số cán bộ lớn hơn một số Ban quản lý đang hoạt động tương đối ổn định. Trả lời được câu hỏi này, biên chế các quận, huyện sẽ khác nhau” - ông Hải phân tích. Đồng tình quan điểm này, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, nên tính toán chia thành các nhóm để bố trí biên chế cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc thi tuyển cũng cần sự khác biệt, theo đúng chuyên môn, không nên “thi vào làm cán bộ Đoàn cũng như thi vào Ủy ban kiểm tra vậy”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Chúng ta xác định đây là việc phải làm, nhưng cần tuyên truyền để cán bộ, công chức hiểu rõ, thực hiện việc này không phải là nhằm “giảm ai, ai giảm”. Tinh giản biên chế chỉ là một trong các nội dung. Vấn đề chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Nhiều đồng chí có chuyên môn rất cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng tinh thần trách nhiệm không có, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, làm đủ 8 tiếng nhưng làm không ra sản phẩm thì chúng ta phải kiên quyết xử lý”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho rằng: “Khi rà soát, tránh cứng nhắc, cần bám vào đặc thù của từng địa phương, đơn vị, không thể cào bằng số biên chế giữa các quận, huyện”.

Với chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt như vậy, chắc chắn nhiệm vụ tinh giản biên chế của TP sẽ thực sự tạo bước đột phá, đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.