Bất chấp việc Chính phủ tạm quyền Kiev thân phương Tây thực hiện các biện pháp mạnh tay và xung đột xảy ra làm ít nhất 5 người thiệt mạng, lực lượng biểu tình tại đây vẫn không có ý định lùi bước. Tại Donetsk và Slavyansk, các tay súng cùng các phương tiện bọc thép thuộc các đơn vị tự vệ đã tái triển khai trên các đường phố, tiến hành lập hàng rào quân sự quanh các trụ sở công quyền nơi lực lượng biểu tình đang chiếm giữ, nhằm đẩy lui chiến dịch trấn áp bằng vũ lực của lực lượng Chính phủ. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, các TP này đã hầu như bị phong tỏa, trong khi các lực lượng an ninh bảo vệ TP đã rời bỏ các trạm kiểm soát. Trong khi đó, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra tại các TP này nhằm yêu cầu chính quyền Kiev rút quân và chấm dứt các chiến dịch trấn áp quân sự tại đây. Các diễn biến ở miền Đông Ukraine đã gia tăng căng thẳng sau khi các lực lượng đặc nhiệm của Ukraine hôm 25/4 phát động giai đoạn 2 của chiến dịch "chống khủng bố" ở miền Đông thông qua việc tăng cường phong tỏa toàn bộ TP Slavyansk do lực lượng biểu tình đòi ly khai chiếm giữ.
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tố cáo phương Tây đang âm mưu "xâm chiếm" Ukraine vì các dự án địa chính trị của họ. Theo ông Lavrov, ngay cả khi Mỹ và Liên minh châu Âu đang từng bước nhận thức được tính phức tạp của tình hình thì họ vẫn không sẵn lòng thừa nhận những sai lầm của mình. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán "thẳng thắn và xây dựng" với Mỹ nhằm bình ổn tình hình ở Ukraine. Hãng Interfax dẫn lời một quan chức quân sự Nga nói rằng, mặc dù vẫn chưa có một đề nghị như vậy từ phía Lầu Năm Góc, song Bộ Quốc phòng Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán "về lợi ích của việc bình ổn tình hình ở Ukraine".
Trước những diễn biến căng thẳng này, ngày 24/4, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động bạo lực và trả đũa lẫn nhau. Trong khi đó, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cũng cho biết sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các bên, đồng thời tăng cường phái đoàn giám sát tại Ukraine từ 150 người hiện nay lên 500 người trong vòng vài tháng tới, nhằm tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng hiện nay. OSCE đồng thời thúc giục chính quyền Ukraine cần tích cực hơn nữa trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị, tránh để tình hình ngày càng leo thang.
Những diễn biến này cho thấy, tình hình Ukraine ngày càng căng thẳng, đòi hỏi chính quyền lâm thời Kiev và các bên liên quan phải nỗ lực hơn nữa để giải quyết tình hình bế tắc hiện nay.
Căng thẳng tại miền Đông và Nam Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: AP
|