Kinhtedothi - Xung quanh thông tin nguồn nước mặt sông Đà bị nhiễm bẩn từ một bãi rác tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), trên báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày 26/11, lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Vinaconex khẳng định chất lượng nước sạch cung cấp cho Hà Nội được đảm bảo.
Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, về lâu dài, nếu bãi rác dốc Búng gây ô nhiễm không được xử lý triệt để thì sẽ gây nguy hại cho nguồn nước mặt cũng như chất lượng nguồn nước sạch được sản xuất tại Nhà máy nước sông Đà.
Phóng viên đã tìm hiểu thực tế để thông tin rõ hơn về bãi rác dốc Búng gây ô nhiễm. Tại TP Hòa Bình, chúng tôi đã phát hiện nhiều chuyện "lạ", đó là chuyện một bãi rác tạm bị biến thành bãi rác duy nhất của cả TP, hàng ngày xả nước thải ra khu vực xung quanh và xuống sông Đà, trong khi trên địa bàn có một khu xử lý rác được đầu tư đến gần 30 tỷ đồng nhưng bỏ hoang đã 5 năm nay.
Sống chung với ô nhiễm
Không mất nhiều công sức để tìm ra bãi rác dốc Búng, bởi khi đến con đường cách xa bãi rác hàng cây số đã ngửi thấy mùi hôi nồng nặc. Có lẽ bãi rác dốc Búng phải gọi là "núi rác" hay "cánh đồng rác" mới chính xác, bởi rác được đổ tràn lan trên diện tích rộng, nằm ngay giữa khu dân cư. Bị ảnh hưởng nhất là các gia đình đang sinh sống ở tổ 17, phường Tân Hòa do nằm gần bãi rác nhất. Hàng ngày không chỉ phải chịu đựng mùi hôi thối của bãi rác bốc lên mà nhà cửa, quần áo, chăn màn cả ngày lẫn đêm đều đen đặc ruồi muỗi. Chính vì sống trong môi trường ô nhiễm nên nhiều người lớn lẫn trẻ con đều mắc các bệnh về đường hô hấp, da liễu…
Một người dân tổ 11, nhà ở đầu dốc Búng cho biết, từ khoảng 20 giờ đến 23 giờ hàng ngày là thời điểm ô tô chở rác của Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình lũ lượt tập kết về đây. Điều đáng nói là rác được đổ xuống, sau đó công nhân phun qua loa một thứ hóa chất khử mùi rồi san ủi cho bằng phẳng, hoàn toàn không có biện pháp xử lý gì khác. Do thiếu các biện pháp xử lý và lại nằm gần sông Đà nên nước thải từ bãi rác chảy rả rích cả ngày lẫn đêm trực tiếp xuống sông.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo một đoạn bờ sông và đếm được đến 3 miệng cống từ bãi rác xuyên qua đường chảy thẳng ra sông, nước đen ngòm sủi bọt như xà phòng và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dòng nước sông Đà đoạn này cũng có màu khác lạ, đục đục, nhờ nhờ chứ không trong xanh như những khu vực khác. Theo kết quả phân tích mẫu nước ngầm của bãi rác dốc Búng do Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình cung cấp năm 2013, có đến 10 thông số vượt quy chuẩn và mẫu nước suối cạnh bãi rác có 13 thông số vượt quy chuẩn…
Khu xử lý rác xây xong… bỏ đấy!
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, bãi rác dốc Búng thuộc phường Tân Hòa được đưa vào khai thác từ năm 2003. Điều đáng nói là do chỉ được quy hoạch là bãi tạm nên bãi rác dốc Búng không hề có công trình xử lý rác thải nào được xây dựng từ khi đi vào hoạt động cho đến nay. Để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải ngày càng tăng, UBND tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch và triển khai xây dựng Khu xử lý rác thải Yên Mông nằm cách bãi rác dốc Búng chừng 10km. Tuy nhiên, khu xử lý rác thải Yên Mông đã nằm "đắp chiếu" từ khi hoàn thành. Đem thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Văn Cần - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mông. Ông Cần cho biết: Ngày đó, không biết tỉnh tính toán kiểu gì mà khoanh vị trí khu xử lý rác thải nằm ngay sát khu dân cư. Lo ngại môi trường bị ô nhiễm, bà con phản đối dữ lắm. Chính vì thế, ngay khi có xe rác đầu tiên đưa về khu xử lý, dân làng kéo nhau ra chặn, gây mất an ninh trật tự khu vực. Nay muốn khôi phục lại khu xử lý rác phải có kế hoạch di dời khoảng 140 hộ dân, một trường mầm non và một trường tiểu học nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Kinh phí bồi thường GPMB dự kiến khoảng hơn 100 tỷ đồng, chưa kể quỹ đất quy hoạch tái định cư cho các hộ dân.
Trong khi những lo ngại về nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm từ bãi rác dốc Búng thì xem chừng tỉnh Hòa Bình vẫn chưa quyết liệt xử lý mối bất an này. Trao đổi với phóng viên, ông Quách Tùng Dương - Chủ tịch UBND TP Hòa Bình thừa nhận, nguồn nước rò rỉ từ bãi rác dốc Búng là có thật, ít nhiều gây ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước mặt sông Đà. Theo ông Dương, lãnh đạo tỉnh và TP Hòa Bình đang tìm biện pháp tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề kinh phí, ngân sách hiện chưa bố trí được. Đơn giá để xử lý một tấn rác theo đúng quy trình phải mất 250.000 - 300.000 đồng trong khi mức giá quy định hiện nay rất thấp nên chỉ có thể xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Thiết nghĩ, vì lợi ích của cộng đồng, UBND tỉnh Hòa Bình cần có ngay quyết sách kịp thời, tạm đóng cửa bãi rác dốc Búng và có kế hoạch xử lý lượng rác đã chôn lấp nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại khu vực này.
Bãi rác dốc Búng hàng ngày vẫn xả nước thải ra khu vực xung quanh.
|
Trước thông tin bãi rác dốc Búng ô nhiễm, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà để sản xuất và cấp nước sạch về TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco), Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng nước sạch cung cấp từ Nhà máy nước sông Đà, đảm bảo an toàn cho sinh hoạt của người dân; báo cáo định kỳ cho UBND TP. Yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex, Công ty Viwasupco khẩn trương phối hợp, làm việc với các ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình để có các giải pháp hạn chế ảnh hưởng do ô nhiễm từ bãi rác đến nguồn nước mặt cung cấp cho Nhà máy nước sông Đà và đảm bảo chất lượng, an toàn đối với nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Thủ đô. |
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình sớm làm rõ
Liên quan đến thông tin bãi rác dốc Búng gây ô nhiễm môi trường, có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của hơn 70.000 hộ dân Thủ đô, trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều 26/11, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho biết mới biết qua phản ánh của báo chí nên chưa thể có ý kiến cụ thể. Ông Nguyễn Tiến Sinh cũng cho biết sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình phải sớm làm rõ sự việc này. (Hà Minh)
|