Không trục lợi
Xã Thư Phú là một trong những địa phương có gần 100ha đất trồng rau xanh đứng tốp đầu của huyện Thường Tín. Mỗi năm, người nông dân nơi đây quay vòng trồng ít nhất từ 7 - 8 vụ, và bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện, có khi sang cả các tỉnh lân cân hàng chục tấn rau các loại. Với hơn 7 sào ruộng, thời điểm này gia đình bà Văn Thị Lý, thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú chủ yếu tập trung trồng các loại rau xanh cải, như: Cải ngồng, cải canh, cải củ… theo mùa vụ.
Bà Trần Thị Viện, thôn Phú Mỹ, xã Thư Phú thu hoạch rau cải dưới thời tiết năng nóng nhưng vẫn vui vẻ |
Vừa thoăn thoắt lượm cắt những cây cải dưới cái nắng nóng giữa trưa hè đầu tháng 8 này, bà Lý cho biết: Vào thời điểm này hàng năm, thương lái đến xem và thu mua rau với giá khá cao. Nhưng thời điểm này, khi người dân toàn TP đang ra sức phòng chống dịch Covid-19, nhiều nơi còn rất khó khăn, đâu đâu cũng thấy doanh nghiệp và các mạnh thường quân, các tổ chức giúp đỡ những người yếu thế, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhu yếu phẩm để gồng mình vượt qua tâm điểm khi dịch Covid-19 đang nóng bỏng.
“Do vậy, chúng tôi cũng không khoanh tay đứng nhìn mà người người, nhà nhà tự bảo nhau, dù thời tiết nắng nóng, hàng hóa, rau củ, quả khan hiếm nhưng chúng tôi những người nông dân thôn Vĩnh Lộc vẫn chỉ thu hoạch rau bán bằng giá khi chưa thực hiện giãn cách xã hội toàn TP. Chỉ sợ các doanh nghiệp cung ứng rau xanh cho các cửa hàng, chợ đầu mối, hộ buôn bán tại nhà “đội giá” tranh thủ trục lợi. Thời điểm này rất may là doanh nghiệp về thu mua rau xanh vận chuyển đến các cửa hàng, chợ, siêu thị gặp nhiều thuận lợi cũng là động lực thúc đẩy nông dân hăng hái ra đồng thu hoạch để trồng những lứa rau mới phục vụ người dân chống dịch”- bà Lý bày tỏ.
Chủ tịch UBND xã Thư Phú Lê Văn Tôn dù rất bận nhưng vẫn bớt chút thời gian đi kiểm tra những vựa rau xanh trên địa bàn |
Hồ hởi đón tiếp chúng tôi, bà Trần Thị Viện, thôn Phú Mỹ, xã Thư Phú đang cùng người thân trong gia đình thu hoạch những luống rau cải ngồng bán với giá 6 - 7 nghìn đồng/1 kg. Không ai bảo ai, để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 nên mỗi người chủ động ngồi một góc với khẩu trang, khăn quàng kín mít và đi theo sau là chiếc ô cắm xuống ruộng để che nắng. Nhẩm tính nhanh, bà Viện cho biết, thời điểm này mỗi sào thu hoạch được khoảng 8 tạ rau cải cũng thu được cỡ 5 triệu đồng, vừa được tiếng là người nông dân không tranh thủ trục lợi bán giá cắt cổ thời dịch bệnh lại không để đất bỏ hoang mà vẫn có lãi chút đỉnh bù vào công lao động.
Khảo sát thực tế việc người dân địa phương ra đồng thu hoạch rau xanh và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh cũng như chấp hành mệnh lệnh giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND xã Thư Phú Lê Văn Tôn cho biết, những ngày này công tác chỉ đạo vận hành nguồn nước tưới rau đóng vai trò rất quan trọng. Xác định vậy nên lãnh đạo UBND xã đã thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo HTXNN ứng trực xử lý tốt tình huống. Cùng với đó, phối hợp với Công ty điện lực huyện cung cấp đảm bảo nguồn điện không để xảy ra sự cố khi các hộ sử dụng hệ thống máy bơm nước phục vụ sản xuất ở tại các xứ đồng trồng rau xanh.
Người dân xã Thư Phú hàng ngày sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh tưới cho những vựa rau xanh vượt qua thời điểm nắng nóng |
Góp sức chống dịch Covid-19
Dẫn phóng viên đi thăm một số xứ đồng chuyên canh rau xanh của địa phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Hồi Từ Đức Toàn cho biết: Hà Hồi có 8 thôn với gần 3.200 hộ, hàng chục năm qua 90% các gia đình đều tham gia sản xuất, trồng rau xanh trên diện tích 81ha, nhà ít trồng 2 - 3 sào, nhà nhiều lên đến 10 sào. Hồ hởi đón tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thìn, thôn Hà Hồi, xã Hà Hồi cho biết, gia đình bà cũng như các hộ khác bám đất trồng rau, củ, quả từ hàng chục năm nay rồi. Gia đình có 4 khẩu với 4 sào ruộng quanh năm trồng đủ các loại rau, như rau cải các loại, hành, tỏi, cà chua…
"Xác định trồng rau là nghiệp nuôi sống gia đình hàng chục năm qua, do vậy việc thời tiết thất thường, dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng cho người dân trong sản xuất, chăn nuôi cũng là chuyện bình thường, chúng tôi phải chủ động trồng, thu hoạch rau, không để đất bỏ hoang. Thời gian này, một số nơi trong TP giá rau xanh đã bị tiểu thương trục lợi đẩy giá. Thực tế, giá rau xanh thời điểm này người dân chúng tôi bán cho các công ty chuyên thu gom với giá còn giảm hơn trước khi dịch bùng phát đợt này. Hiện nay, giá cải ngồng bán 6 - 7 nghìn đồng/1 kg, hành bán 5 nghìn đồng/1 kg…Chúng tôi coi đây là nghiệp nên không bao giờ tăng giá bán rau xanh để trục lợị, mang tiếng lắm”- bà Thìn nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người nông dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND huyện đã thành lập các tổ công tác và giao cho phòng Kinh tế kiểm tra đột xuất ở các địa phương vùng chuyên canh rau của huyện, nếu phát hiện người dân tự ý tăng giá bán rau tại ruộng sẽ xử phạt theo quy định. Chặng đường chống dịch vẫn còn phức tạp, tinh thần tương thân, tương ái lại được khơi dậy, cái tình của người nông dân huyện Thường Tín trong mùa dịch Covid-19 đã và sẽ còn được lan tỏa xa hơn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, toàn huyện hiện có gần 900ha đất trồng rau màu các loại, trong đó tập trung khoảng 300ha ở các xã Thư Phú, Hà Hồi, Tân Minh, còn lại rải rác ở các xã, mỗi ngày cung ứng cho thị trường hàng chục tấn rau xanh đảm bảo giá bán theo quy định. Mặc dù thời gian này người dân bán rau xanh tại ruộng không có lãi là bao, nhưng vì đóng góp sức lực của mình nên người nông dân nơi đây vẫn miệt mài trồng những lứa rau mới trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, hàng ngày phải thu hoạch rau dưới cái nắng nóng, oi bức đỉnh điểm.
Qua khảo sát thực tế tại các địa phương của huyện Thường Tín những ngày này cho thấy, mặc dù thời tiết rất khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nhưng vì dịch bệnh còn đang có nhiều diễn biến phức tạp nên nhu cầu sử dụng rau xanh hàng ngày là rất cần thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy để góp sức với người dân Thủ đô, người nông dân ở huyện Thường Tín vẫn miệt mài lao động, trồng, thu hoạch các loại rau, củ đã đến lứa rồi tiến hành làm đất, chuẩn bị vụ mới, không cho đất nghỉ ngơi.