Đến khi đê được an toàn, nhưng một số địa phương vẫn đang bị chia cắt do ngập lụt thì những chuyến xe trở hàng mang lương thực, thực phẩm, thuốc men… mang theo tình người vẫn đang nối đuôi nhau về với người dân úng ngập.
Công an huyện Chương Mỹ lội nước mang thực phẩm, nước uống vào cho người dân xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Khắc Kiên |
Chủ động chống tràn đê trong đêm
Vào thời điểm đêm 29/7, do thời tiết tiếp tục có mưa to, kèm theo nước thượng lưu đổ về đã làm mực nước sông Bùi dâng cao ở mức 7,3m nên một số tuyến đê tả Bùi có nguy cơ bị tràn. Trước tình hình đó, UBND, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của xã Thanh Bình đã khẩn trương triển khai chống tràn đê ngay trong đêm. Tại đoạn đê Bùi qua thôn Kim Nê, xã Thanh Bình, vào hồi 19 giờ tối, có gần 400 người gồm cán bộ, các ban ngành đoàn thể và toàn thể bà con nhân dân thôn Kim Nê chủ động tham gia hộ đê.
Với tinh thần trách nhiệm, tích cực nên chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ bà con nhân dân đã dùng bao tải đắp chống tràn được hơn 600m đê. Với phương châm “4 tại chỗ”, xã đã huy động toàn bộ lực lượng và nhân dân tham gia chống tràn mà chưa cần đến sự hỗ trợ của lực lượng quân đội. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của bà con nhân dân thôn Kim Nê đã không quản ngại khó khăn tích cực chống tràn đê.
Công an huyện lội nước trực tiếp mang thực phẩm, nước uống cho người dân úng ngập xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Khắc Kiên |
Có mặt đêm 30/7, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ Trần Trí Dũng - Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường cho biết, để triển khai công tác hộ đê, tất cả các lực lượng 100% ứng trực sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Trước dự báo nước lũ tiếp tục đổ về, gần 100 cán bộ chiến sĩ Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang khẩn trương đắp bao cát cao thêm 50cm trong đêm 30/7, để cố gắng giữ cho mực nước sông Bùi không tràn vào bên tả...
Vừa gạt mồ hôi, học viên Nguyễn Hoàng Quân vừa chia sẻ, hiện đang trong thời gian trực Hè tại trường. Tuy nhiên, khi biết được thông tin và có lệnh điều động tăng cường đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ, cùng các đồng đội tham gia hộ đê. Đó cũng là góp một phần cùng với các lực lượng chống tràn đê nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Công an huyện lội nước trực tiếp mang thực phẩm, nước uống cho người dân úng ngập xã Nam Phương Tiến. Ảnh: Khắc Kiên |
Khó nhưng ấm lòng
Đợt mưa lũ vừa qua, hiện có 4 thôn của xã Nam Phương Tiến bị cơ lập hoàn toàn, đối với hộ gia đình ở dưới thấp đã di chuyển tài sản vật nuôi lên vị trí cao hơn, còn lại một số hộ dân nhà cao cố gắng bám trụ tại địa phương. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Sáu (ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến) cho biết, từ ngay xảy ra mưa lũ gia đình bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, không đi trợ mua đồ ăn sinh hoạt trong gia đình được.
Tương tự, bà Đồng (69 tuổi, người ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến) chia sẻ, cả gia đình có 6 bà cháu ở nhà, từ hôm xảy ra mưa lũ, gia đình bà chia cắt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, các cháu nghỉ học ở nhà. Khi nhận lương thực, thực phẩm, nước uống, sinh hoạt từ các chiến sĩ Công an huyện chuyển đến, trong ánh mắt người dân đều ánh lên sự phấn khởi, lạc quan và cho biết dù khó khăn sinh hoạt nhưng vẫn thấy ấm lòng.
Chị Trần Thị Hiền (30 tuổi, ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến) thông tin, mưa lũ chia cát hoàn toàn, gia đình không đi lại được, mọi thứ sinh hoạt khó khăn, các cháu nhỏ không đến được trường. “Với nước ngập như hiện nay nếu không mưa thì khoảng 3 tuần nữa mới ra được ngoài. Cuộc sống gia đình đảo lộn, sinh hoạt khó khăn. Rất may các cấp, các ngành đã quan tâm đến cuộc sống, chúng tôi không bị đói, bị khát”, chị Hiền khẳng định.
Thiếu tá Bùi Huy Đạt - Đội trưởng Đội CSGT trật tự cơ động Công an huyện Chương Mỹ chia sẻ, từ đầu năm 2018 theo chỉ đạo của CATP Hà Nội, huyện Chương Mỹ đã thành lập các đội phòng chống lụt bão. Như khi có lũ rừng ngang thì Đội CSGT, trật tự cơ động Công an huyện Chương Mỹ phối hợp với Đội CSGT số 12 (thuộc Phòng CSGT CATP Hà Nội) cũng như TTGT vận tải huyện phối hợp phân luồng đảm bảo giao thông trên địa bàn. “Lực lượng CSGT Công an huyện ngay từ ngày đầu phối hợp với lực lượng chức năng để phân luồng đảm bảo giao thông không cho phương tiện vào vùng lũ.
Ngoài ra, CSGT huyện đã dùng các cano của CATP Hà Nội cấp để đưa bà con ở vùng ngập ra ngoài, đưa vật nuôi lên chỗ cao và cùng đưa các đoàn tiếp tế cứu trợ cho các bà con bị cô lập trong địa bàn xã Nam Phương Tiến”, Thiếu tá Đạt nói. Đồng thời thông tin, hiện Đội CSGT trật tự cơ động Công an huyện Chương Mỹ cũng vẫn đang ứng trực để giúp bà con nhân dân trong vùng ngập lụt của huyện Chương Mỹ.
Công an huyện Chương Mỹ và học viên Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang hộ đê đêm 30/7. Ảnh: Khắc Kiên |
Ấm áp tình người
Theo chân Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành đi kiểm tra công tác an sinh xã hội tại vùng úng ngập chiều muộn 3/8, chúng tôi đến xã Tân Tiến, nơi tập trung hàng cứu trợ cho địa bàn và xã Nam Phương Tiến, các vùng lân cận. Bí thư Đảng ủy xã Vũ Công Nam cho biết, xã Tân Tiến có 712/2.500 hộ bị ngập, với 21 hộ nghèo, 46 cận nghèo, 47 người có công. Hiện ước tính có 500 hộ dân đã có điện và có thể nấu ăn được.
Trong thời gian ngập lụt, các nhu yếu phẩm sau khi nhận được đều chuyển ngay cho người dân. Bình quân 5 thùng mì tôm/hộ, 5 bình nước uống/hộ... Về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cho người dân trong vùng lũ. Tuy nhiên, do tình hình nước rút chậm, không thể di chuyển để giao thương, trao đổi nên thay đổi bữa ăn có rau để cải thiện sinh hoạt là khó khăn. Trước mắt, mong mỏi lớn nhất là cần nước sạch để sử dụng, có thể thay đổi hỗ trợ các nhu yếu phẩm khác.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành cho biết, việc điều chỉnh nhu yếu phẩm để cấp cho người dân là chính đáng và phù hợp với thực tế. Ông Thành đã gọi điện về Sở điều chỉnh công văn đề xuất TP duyệt thay đổi các mặt hàng, tập trung vào gạo, mì chính, bột canh và nước uống. Cụ thể, cấp suất 50 tấn gạo, 4.000 gói mì chính loại 4gr, 8.000 gói bột canh, 8.000 bình nước 20 lít. Đồng thời đề nghị, huyện và xã thường xuyên kiểm tra thường xuyên, rà soát từng trường hợp cụ thể, cá biệt để có sự hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Ghi nhận của phóng viên, thời gian qua rất nhiều các đơn vị, cơ quan ủng hộ người dân vùng úng ngập Chương Mỹ hàng tỷ đồng. Đến với bà con xã Tân Tiến ngày 3/8, Phó Tổng Giám đốc HABECO Nguyễn Hải Hồ cho biết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, ngay khi hay tin đồng bào vùng lũ huyện Chương Mỹ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra, Công đoàn HABECO đã phát động phòng trào quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Chỉ một thời gian ngắn, cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động trong HABECO số tiền 212 triệu đồng gửi tặng đồng bào vùng lũ huyện Chương Mỹ.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành (trái) kiểm tra việc xuất gạo gửi đến người dân vùng úng ngấp chiều 3/8. Ảnh: Khắc Kiên |
“Đây là tấm lòng của tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động HABECO, với mong muốn sẻ chia những khó khăn, mất mát, để đồng bào vùng lũ sớm vượt qua thiên tai, ổn định đời sống, sản xuất…” - ông Nguyễn Hải Hồ nhấn mạnh.
Rời “rốn lũ” khi màn đêm buông xuống, dẫu biết nước ngập không thể một sớm, một chiều rút đi, nhưng tôi tin, người dân “rốn lũ” sẽ không cô đơn một mình, vì ở đó còn biết bao tấm lòng sẻ chia.
"Hiện nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ vẫn còn 3.585/3.683 hộ bị ngập; còn 789 hộ phải cắt điện để đảm bảo an toàn do ngập nước… Do ngập nước lâu ngày, nên nguy cơ các bệnh da liễu, tiêu chảy và đau mắt cao… Hiện huyện đang tích cực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Các công ty môi trường và bà con nhân dân cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác VSMT, thu gom rác thải… Huyện Chương Mỹ đang tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Công tác cứu trợ vẫn đang được đẩy mạnh nhằm bảo đảm đời sống người dân, không để dân đói, dân rét..." - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng |