Kinhtedothi - Xứ Nghệ được nhân dân cả nước ngợi ca là vùng non nước hữu tình. Vẻ đẹp đó để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai từng ghé lại miền đất “non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Nơi đây có nhiều bậc hiền tài làm rạng danh quê hương, đất nước. Và cũng chính mảnh đất “gió Lào cát trắng” này là cái nôi của những điệu hò, câu ví vang danh năm châu từ sự kiện dân ca Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vùng đất đẹp làm nên điệu ví hay
Trên dải đất hình chữ S của đất nước Việt Nam, xứ Nghệ là điểm giữa gánh nặng hai đầu Tổ quốc. Mảnh đất quanh năm gió Lào, cát trắng ấy lại có khung cảnh non nước hữu tình. Trong điệp trùng núi rừng, biển cả và những dòng sông chở nặng phù sa là những câu ca, điệu ví cất lên cùng hoạt động sản xuất. Điều kỳ diệu là dòng Lam chảy đến đâu, người dân nơi đó có cuộc sống bình yên với những nương ngô, bãi dâu xanh tốt. Và ở đó lại xuất hiện những làng nghề dệt vải, quay tơ, kéo sợi, trồng bông, trao đổi hàng hóa trên bến, dưới thuyền tấp nập. Không gian ấy càng làm cho những câu hò, điệu ví cất lên nồng ấm và đắm say lòng người.
Hát ví trên sông Lam. Ảnh: Xuân Tám
|
Đến với Dân ca xứ Nghệ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đêm trăng thanh gió mát, những người con gái vừa quay tơ, vừa dệt vải, vừa tâm tình với các chàng trai bằng những câu hát chân thành, tha thiết, mộc mạc: “Thiếu chi hoa lý hoa lài/ Mà chàng đi chuộng hoa khoai trái mùa?/ Hoa khoai chịu nắng chịu mưa/ Hoa lài hoa lý chưa trưa đã rầu” hay “Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta tình nặng nghĩa dày/ Dù có xa nhau chăng nữa, ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa”. Còn trên dòng sông Lam, cô gái xứ Nghệ nón lá, áo nâu vừa chèo thuyền, vừa cất lời ca man mác: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa, là tình ai ơi”...
Có một điều đặc biệt của ví, giặm so với các sinh hoạt dân ca ở các vùng, miền khác là loại hình hát đối được sản sinh trong lao động, sản xuất, nhưng đã thu hút được sự tham gia tích cực của tầng lớp trí thức, các bậc nho sỹ, nhà khoa bảng, chí sỹ yêu nước, như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Quýnh, Đinh Viết Thận, Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý… Đại thi hào Nguyễn Du từng nổi tiếng với lời đối đáp cùng con gái phường vải Trường Lưu khi đến trước sân nhà không may bị vấp ngã: “Đến đây hò hát làm thân/ Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì? - Đất chi có đất lạ lùng/ Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho”… Hay anh giải San (giải nguyên Phan Văn San tức cụ Phan Bội Châu) đối đáp với gái phường vải Nam Đàn: Đưa chàng một nạm (nắm) ngô rang/ Đúc nơi mô mà mọc, thiếp đốt nhang mời về - Chỗ nào nắng mãi không khô/ Mưa lâu không ướt đúc vô mọc liền…
Mạch nguồn chảy mãi
Cội rễ của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được bắt nguồn từ đời sống lao động. Có lẽ vì vậy mà nó mang sức sống lâu bền cùng thời cuộc. Hình ảnh những người nông dân chân lấm, tay bùn quanh năm trên đồng ruộng thẳng cánh cò bay, chiều đến thong thả dẫn trâu về chuồng trong khói lam chiều bảng lảng…; tối đến, bên ấm nước chè xanh nóng hổi, thơm phức, họ cùng ngồi bên nhau trò chuyện, đàn ông thì hút thuốc lào, các mẹ, các chị thì quay tơ, dệt vải cho đến tận khuya… Những làn điệu dân ca bắt nguồn từ đó. Ban đầu chỉ là những câu hát đối đáp bình dị, gần gũi với cuộc sống đời thường. Sau đó được chính họ thể hiện trong những dịp mừng thọ đầu Xuân, lễ hội của làng… Rồi theo thời gian, dân ca đã trở thành chủ đề chính của các buổi giao lưu, các cuộc liên hoan văn nghệ. Đặc biệt là "Tiếng hát làng Sen" hàng chục năm nay đã trở thành phong trào rộng lớn trong quần chúng nhân dân từ xã đến huyện, tỉnh và lan tỏa ra nhiều địa phương trong nước.
Bác Nguyễn Yết Niêm - Chủ nhiệm CLB Dân ca Hồng Sơn (Quỳnh Lưu) - CLB giành giải Nhất tại Liên hoan các CLB đàn và hát dân ca lần thứ nhất năm 2011 cho biết: “Từ niềm đam mê cháy bỏng, hàng tuần vào đúng tối Chủ nhật, CLB chúng tôi tổ chức sinh hoạt định kỳ. Quanh năm, tứ mùa không kể mưa nắng, đến hẹn lại lên, những cụ già không tự đi thì cắt cử con cháu chở đến. Các hội viên với đủ thành phần khác nhau: người thì bán buôn ngoài chợ, người thì chuyên cần mưa nắng ngoài đồng, người là cán bộ hưu trí… nhưng cùng gặp nhau ở một niềm đam mê với khúc hát dân ca quê hương”.
Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 80 CLB dân ca đang hoạt động sôi nổi ở 15 huyện, thành, thị dọc sông Lam và các vùng đồng bằng (trừ các huyện miền núi cao: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong). Một số CLB có truyền thống hoạt động từ nhiều năm trước. Các huyện có số lượng CLB Dân ca xứ Nghệ khá nhiều là Diễn Châu, Đô Lương, Nghi Lộc, Thanh Chương...
Từ hoạt động của các CLB, dân ca được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những người dân lao động chân chất. Ở đó, chúng ta dễ dàng bắt gặp các cụ bà, cụ ông mái đầu bạc trắng vẫn ngày đêm truyền dạy cho con cháu những lời ca được truyền nối qua nhiều thế hệ. Tuy giọng hát không còn trong trẻo, mượt mà, nhưng chính các cụ là người đã “truyền lửa” cho lớp trẻ hôm nay. Tiêu biểu như cụ Đinh Nhật Tân (Diễn Thái - Diễn Châu) ngoài khởi xướng thành lập CLB Dân ca Diễn Thái - một trong những CLB mạnh nhất huyện Diễn Châu hiện nay, thì niềm đam mê dân ca của ông còn thu hút cả 3 người con cùng tham gia.
Bên cạnh đó, việc sáng tác các ca khúc sử dụng chất liệu Dân ca ví, giặm cũng là một cách tiếp nối, làm cho dân ca thể hiện sức sống mạnh mẽ, quyến rũ trong bối cảnh mới. “Đắm mình giữa khúc dân ca/ Câu hò ví giặm đời ta thêm nồng/ Cuộc đời gạn đục khơi trong/ Đã hơn 60 mùa Xuân mặn mà/ Đời ơi bao nỗi phong ba/ Nép mình giữa khúc dân ca tỏ lòng” (trích sáng tác của nghệ nhân Chu Văn Tỵ (70 tuổi), Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca Cát Văn - Thanh Chương, người đã sáng tác hơn 50 ca khúc dân ca phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Việc trao truyền những khúc hát dân ca cho thế hệ trẻ là công việc quan trọng nhất để bảo tồn, phát huy di sản Dân ca ví, giặm. Chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh hai anh em Nguyễn Thành Công (học sinh lớp 8C) và Nguyễn Quốc Bảo (học sinh lớp 6C) Trường THCS Làng Sen - Kim Liên - Nam Đàn, sau những giờ học, các em đã tranh thủ đến nhà Nghệ nhân dân gian Trần Văn Tư (năm nay 83 tuổi) để trò chuyện và học hỏi thêm những làn điệu dân ca mới. Những lần như thế, cụ Tư lại thấy vui hơn. Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Sen 1 (Kim Liên - Nam Đàn) lại rộn vang tiếng hát trong trẻo của các cháu cùng với giọng hát lưu luyến ấm áp của ông tạo nên âm hưởng êm đềm trong dòng chảy sôi động của cuộc sống hiện đại. Cụ Tư cho rằng: “Bất cứ giờ nào, các cháu hoặc bất kỳ ai đến học hát dân ca là tôi sẵn sàng truyền dạy, dù đó là trưa, chiều hay tối… Tôi thấy vui vì ngày mai, các cháu sẽ mang câu ca, lời hát đến với mọi người”.
Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ - người nặng lòng với dân ca và thành danh từ dân ca của quê hương khẳng định: “Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã và đang có được sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với rất nhiều tầng lớp nhân dân - đó là điều đáng mừng. Bởi lẽ, việc UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng là để “nuôi” dân ca trường tồn, phát triển bền vững trong lòng dân tộc và nhân loại.