Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỉnh táo khi chọn mứt sặc sỡ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không nên sử dụng một loại mứt quá nhiều. Dù có là món khoái khẩu thì cũng chỉ nên mua mỗi thứ một ít cho có hương vị tết để tránh ăn phải loại mứt không an toàn với lượng nhiều.

KTĐT - Không nên sử dụng một loại mứt quá nhiều. Dù có là món khoái khẩu thì cũng chỉ nên mua mỗi thứ một ít cho có hương vị tết để tránh ăn phải loại mứt không an toàn với lượng nhiều.

Các gia đình đã bắt đầu mua bánh mứt để sử dụng trong những ngày tết và cũng để biếu nhau. Tuy nhiên, điều mà không ít người băn khoăn là phải chọn bánh mứt như thế nào và ăn sao cho an toàn vì báo chí đã đưa tin rất nhiều về loại mứt kém vệ sinh. 
 
Tỉnh táo khi chọn mứt sặc sỡ
 
Mứt là loại thực phẩm truyền thống ngày tết của người Việt Nam với đủ loại trái cây hoặc củ được sấy khô và cho thẩm thấu thật nhiều đường để có thể ăn dần trong những ngày tết mà không bị hỏng. Do vậy, mứt thường mất tính chất đặc trưng của trái cây mà chỉ có vị rất ngọt của đường. Và cũng chính vì có quá nhiều đường ngọt và không còn chất vitamin vốn có của trái cây nên mứt được xếp vào loại bánh kẹo ngọt chứ không còn thuộc nhóm trái cây nữa.
 
Nhiều gia đình vẫn thích có ít mứt trong nhà để trẻ nhỏ vui hơn, người lớn nhâm nhi cùng tách trà nóng, ngắm hoa mai nở để nhớ lại cái tết ngày xưa với các loại mứt do mẹ làm. Với nhịp sống công nghiệp hiện nay, chuyện làm mứt tại nhà đang mai một nhanh. Hầu như mọi người chỉ trông cậy vào các gian hàng mứt tết ngày càng phong phú với rất nhiều loại mứt, đủ các vị chua cay ngọt.
 
Cách làm từng loại mứt có thể hơi khác nhưng đều theo nguyên tắc thẩm thấu đường, một số loại thì cần các công đoạn để tạo độ giòn. Quy trình càng phức tạp (cần cắt nhỏ, ngâm, phơi…) thì càng khó bảo đảm an toàn vệ sinh khi sản xuất với số lượng lớn bằng phương tiện thủ công và nhân viên không tuân thủ nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Các loại mứt rau câu, mứt bí, mứt củ năng, mứt khoai lang, mứt hạt sen… phải sử dụng phụ gia để tạo độ giòn hoặc để giữ cho nguyên liệu không nát vụn. Các loại mứt dừa, mứt gừng miếng, mứt gừng dẻo, mứt tắc, mứt mãng cầu, mứt thơm, mứt chùm ruột, mứt me... thì chỉ cần rút bớt nước bên trong (đối với mứt tắc, mứt thơm, mứt chùm ruột) và sên thật khô với nhiều đường để thẩm thấu vào ruột.
 
Trong quá trình làm các loại mứt này thì không cần sử dụng phụ gia và công đoạn cuối cùng qua đun nấu trong thời gian dài nên an toàn hơn. Tuy nhiên, đối với các loại mứt cần bao gói bằng giấy bóng kiếng thì việc bao gói thủ công cần có thao tác hợp vệ sinh (móng tay cắt ngắn, rửa tay bằng xà phòng trước khi làm) kết hợp với giấy bóng kiếng sạch. Các loại mứt có tẩm ớt sẽ tạo vị ngon lạ nhưng cần lưu ý loại ớt sử dụng phải hoàn toàn từ ớt tươi được sấy khô kết hợp với các công đoạn khác bảo đảm vệ sinh thì mới được xem là an toàn.
 

Trái cây sấy an toàn hơn mứt

Với một chút hiểu biết về cách làm mứt như trên thì chúng ta có thể chọn mứt theo các nguyên tắc sau:

Chọn cơ sở sản xuất có uy tín trong nhiều năm: nguyên tắc này cũng chỉ có tính tương đối do khó kiểm soát hết các thời điểm sản xuất của từng cơ sở. Ngoài ra cần lưu ý chọn nơi bán phải hợp vệ sinh.

Chọn loại mứt được làm bằng phương pháp đơn giản: như mứt dừa, mứt gừng, mứt tắc, mứt chùm ruột, mứt mãng cầu, mứt me… để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bẩn hoặc sử dụng nhiều phụ gia.

Chọn mứt với màu sắc tự nhiên: không quá trắng và cũng không có nhiều màu sắc.

Không nên sử dụng một loại mứt quá nhiều: dù có là món khoái khẩu thì cũng chỉ nên mua mỗi thứ một ít cho có hương vị tết để tránh ăn phải loại mứt không an toàn với lượng nhiều.

Hiện nay có các loại rau củ và các loại hạt sấy khô bằng phương pháp công nghiệp, giữ được màu sắc và vị ngọt tự nhiên của trái cây hoặc củ nên sẽ an toàn hơn. Dùng loại thực phẩm này thay cho mứt sẽ hạn chế đưa nhiều đường vào cơ thể một cách không cần thiết.