Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh thần khởi nghiệp cần được vun đắp từ đại học

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào tạo khởi nghiệp trong môi trường đại học là nội dung chính được đề cập đến trong diễn đàn gặp gỡ Hội đồng cố vấn đại học Badson do Thành đoàn Hà Nội, Hội sinh viên Việt Nam TP Hà Nội và Công ty CP phát triển Up phối hợp tổ chức ngày 17/3.

Tham dự hội thảo có đại diện nhiều trường Đại học, cao đẳng lớn trên địa bàn Hà Nội. Tại Hội thảo, các giảng viên trường Đại học Badson cùng nhiều chuyên gia đã chia sẻ nhiều ý kiến liên quan tới xu hướng khởi nghiệp trong môi trường Đại học.
 Quang cảnh buổi gặp gỡ.

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng – Khoa Quản trị kinh doanh, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo xã hội trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một thành viên trong  nhóm tư vấn cho Bộ trưởng Bộ giáo dục trong việc phát triển đề án hỗ trợ xây dựng khởi nghiệp năm 2017 – 2020, tầm nhìn 2025 chia sẻ: Trong việc phát triển đề án chúng tôi cũng nhận định rằng một trong những chìa khóa đầu tiên để có thể tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp chính là cần có sự kết hợp giữa 3 bên doanh nghiệp, trường Đại học và Nhà nước. Các trường Đại học tham gia phải có tinh thần khởi nghiệp, song song bên cạnh đó các giảng viên cũng phải có tinh thần khởi nghiệp. Sau đó là tạo dựng cơ sở hạ tầng và những hoạt động thiết thực để hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp. "Theo tôi Việt Nam là một trong những quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình ở Việt Nam đều muốn con cái khi tốt nghiệp thì có công việc ổn định. Vì vậy, nó sẽ có ảnh hưởng tới sự lựa chọn của các bạn. Tôi nghĩ chúng ta cần có những nỗ lực chung, truyền được cảm hứng cho sinh viên để các bạn không đi theo lối mòn chọn một công việc ổn định mà sẽ tự tạo cho mình một con đường khởi nghiệp riêng".
Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp ngày nay. Tinh thần này không chỉ cần ở giai đoạn bắt đầu của một doanh nghiệp mới mà còn cần có trong suốt quá trình hoạt động của mọi doanh nghiệp, vì nó giúp doanh nghiệp không ngừng đổi mới để cạnh tranh và thích nghi với xu thế mới. Chính vì vậy, tinh thần khởi nghiệp cần được vun đắp, gieo trồng ngay từ môi trường đại học. Các giảng viên cần là người giữ vai trò chính trong việc truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên và trang bị cho họ những kiến thức kỹ năng cần thiết cho hoạt động khởi nghiệp.
Hơn thế, trường đại học còn có vai trò tích cực trong việc tạo ra môi trường khích lệ khởi nghiệp trong xã hội, thông qua kết nối với giới doanh nghiệp và giới làm chính sách và tham gia vào những dự án nhằm cải thiện môi trường khởi nghiệp. Để chi phí khởi nghiệp thấp, các trường đại học có thể sử dụng không gian trống của mình và hợp tác với các doanh nghiệp để vừa làm nơi ươm mầm cho các dự án kinh doanh đổi mới sáng tạo tiềm năng, vừa là nơi cho sinh viên trong trường đến để trải nghiệm, cọ xát với môi trường kinh doanh thực tiễn.
Trường đại học chính là một chủ thể quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là nơi hỗ trợ, kết nối các nguồn lực để các ý tưởng kinh doanh trong sinh viên có thể phát triển vươn xa. Vì vậy các trường đại học cần tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình hỗ trợ khởi nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay đã có một số trường đại học áp dụng mô hình này như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.