Không khí nghị trường liên tục “nóng” bởi hỏi - đáp giữa đại biểu và Bộ trưởng, và càng “nóng” hơn bởi tinh thần tranh luận được thể hiện rất rõ khi ngay các đại biểu cũng phản biện ý kiến của nhau.Phiên chất vấn sáng 1/11 thêm “nóng” bởi những tranh luận gay gắt giữa đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) và ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) quanh những con số mà ĐB Nhưỡng đánh giá là “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp” (được đưa ra trong phiên chất vấn 31/11). Tranh luận lại, ĐB Cầu cho rằng, thông tin của ĐB Nhưỡng khiến lực lượng công an "dậy sóng". ĐB cũng khẳng định tất cả số liệu này không đúng, không chính xác, đề nghị ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu nói rõ nếu không cán bộ trong lực lượng công an rất phân tâm. Lý giải cho phát biểu của mình, ĐB Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, bản thân ông dựa trên các báo cáo và tính toán chi li từng con số… Đồng thời, ông nhấn mạnh: “Trước quốc dân đồng bào, cử tri, tôi phát biểu không có bất kỳ một định kiến nào, mà đây là dựa trên cơ sở các báo cáo chính thức và không bao giờ có bất kỳ một số liệu nào ngoài luồng”… Phần tranh luận sẽ tiếp tục nếu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không linh hoạt điều hành, dừng phần tranh luận để các ĐB trao đổi lại với nhau sau trước những vấn đề chưa đồng quan điểm.Như nhiều ý kiến nhận định, nghị trường Quốc hội là nghị trường dân chủ, những ĐB Quốc hội được dân bầu nên họ mang tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh trước Quốc hội. ĐB Quốc hội còn là những người chịu trách nhiệm trước những lời nói của mình trước cử tri và Quốc hội. Bởi thế, khi một ĐB phát biểu một vấn đề chưa đúng thì có ý kiến, phản ứng, giải thích vì sao chưa đúng cũng là điều hết sức bình thường. Không bàn đến việc đúng sai của các nội dung tranh luận, bởi cách tiếp cận vấn đề của mỗi ĐB từ góc độ, điều kiện đang còn khác nhau, nhưng rõ ràng, những tranh luận mang tính phản biện ngay giữa các ĐB trong phiên chất vấn đã góp phần thể hiện rất rõ tinh thần và không khí của một Quốc hội dân chủ, minh bạch. Ở đây, không còn những rào cản về tâm lý, sự ngại va chạm được bỏ qua, ưu tiên tối đa cho việc làm rõ vấn đề, không “tô hồng” thành tích đạt được, cũng không “bôi đen” hạn chế, yếu kém. Từ phiên chất vấn này, có thể nói rằng, điểm đổi mới được Quốc hội khóa XIV thực thi đầu nhiệm kỳ đến nay là chuyển từ một Quốc hội tham luận sang tranh luận đã được thể hiện rõ ràng nhất.Nhưng trên tinh thần tranh luận ấy, cử tri cũng kỳ vọng sẽ thực sự hình thành “văn hóa tranh luận”, thẳng thắn, trên tinh thần góp ý, xây dựng, không đưa động cơ cá nhân vào nghị trường, không quy chụp quan điểm cá nhân… Để qua tranh luận sẽ tạo sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh.