Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình trạng suy dinh dưỡng, béo phì vẫn ở mức cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Suy dinh dưỡng thấp còi rất khó cải thiện so với suy dinh dưỡng nhẹ cân. Kết quả nghiên cứu tại một số tỉnh, thành thì chiều cao trung bình của người trưởng thành ở Việt Nam chỉ tăng khoảng 1-1,5 cm/một thập kỷ.

KTĐT - Suy dinh dưỡng thấp còi rất khó cải thiện so với suy dinh dưỡng nhẹ cân. Kết quả nghiên cứu tại một số tỉnh, thành thì chiều cao trung bình của người trưởng thành ở Việt Nam chỉ tăng khoảng 1-1,5 cm/một thập kỷ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đó là tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì vẫn đang ở mức cao.

Tại Hội nghị dinh dưỡng Việt Nam, tổ chức ngày 12/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Lê Thị Hợp cũng cho biết tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể xuống dưới 20%. Tuy nhiên, suy dinh dưỡng thấp còi hiện vẫn rất cao, trên 30%.

Cả nước có khoảng 2,5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, tập trung nhiều ở trẻ em vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc.

Suy dinh dưỡng thấp còi rất khó cải thiện so với suy dinh dưỡng nhẹ cân. Kết quả nghiên cứu tại một số tỉnh, thành thì chiều cao trung bình của người trưởng thành ở Việt Nam chỉ tăng khoảng 1-1,5 cm/một thập kỷ. Do tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn cao nên chiều cao của thanh niên Việt Nam khá hạn chế so với chuẩn quốc tế và các nước trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore.

Hiện, chiều cao trung bình của người trưởng thành ở Việt Nam là 163,7cm đối với nam, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn quốc tế và ở nữ là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn quốc tế.

Bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng, tình trạng thừa cân béo phì cũng đang là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tại thành phố khoảng 8,8%, tăng 400% trong vòng 10 năm nay và ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tỷ lệ này khoảng 30,1%, tăng 300% trong vòng 10 năm; tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng sẽ kéo theo sự gia tăng các bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 sẽ triển khai các giải pháp can thiệp đặc thù cho các vùng miền và các nhóm đối tượng cụ thể, trong đó chú trọng đến vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em để góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam; đồng thời kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì để hạn chế sự gia tăng các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ cải thiện được bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng, miền đủ về số lượng và cân đối về chất lượng.