KTĐT - Thủ tướng cho biết WEF Đông Á sẽ được tổ chức ở TP HCM-một thành phố lớn, thân thiện, năng động với tốc độ tăng trưởng cao và dự kiến đây sẽ là một chương trình nghị sự hữu ích cho bạn bè quốc tế tham dự.
Chính phủ Việt Nam đang phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới xây dựng chương trình nghị sự hữu ích cho các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, học giả và giới truyền thông quốc tế tham dự.
Ngày 29/1, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp báo quốc tế về việc Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, chủ nhà WEF Đông Á năm 2010 và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thủ tướng cho biết WEF Đông Á sẽ được tổ chức ở TP HCM-một thành phố lớn, thân thiện, năng động với tốc độ tăng trưởng cao và dự kiến đây sẽ là một chương trình nghị sự hữu ích cho bạn bè quốc tế tham dự.
Trong cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam lựa chọn chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động". Trọng tâm sẽ là việc triển khai Hiến chương và Cộng đồng ASEAN, tăng cường hợp tác để ứng phó với những biến động toàn cầu...
Thông báo tới giới truyền thông quốc tế về kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 12%. "Việt Nam đang tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, Thủ tướng cho biết, quý IV/2009 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,9% và Việt Nam có đủ cơ sở để dự báo năm nay tăng khoảng 7% và năm 2011-2012 sẽ đạt 7-8%, bằng mức tăng trưởng trong hai thập kỷ qua. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đưa ra mục tiêu không để lạm phát cao, dự kiến khả năng kiềm chế lạm phát khoảng 7%, đồng thời sử dụng tốt công cụ tài chính tiền tệ mà Việt Nam đã triển khai trong năm 2009.
Trước thắc mắc của báo chí quốc tế về việc trong tương lai, đứng trên góc độ toàn cầu, liệu có đồng tiền nào thay thế đồng USD của Mỹ và đã đến thời điểm ra đời đồng tiền chung châu Á? Thủ tướng cho rằng, đây là những ý tưởng rất đáng chú ý, song cần phải có thêm thời gian nữa mới nên tính đến chuyện này. Trả lời thắc mắc liệu Việt Nam có phá giá đồng tiền của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam thực hiện tỷ giá theo nguyên tắc thị trường, điều hành linh hoạt để vừa duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, vừa khuyến khích sản xuất kinh doanh, xuất khẩu vừa kiểm soát được lạm phát.