Cụ thể hơn về “giá thị trường”
ĐB La Ngọc Thoáng (đoàn Cao Bằng) phản ánh, quy định "giá đất phải sát thị trường" có từ Luật Đất đai 2003 nhưng thủ tục tìm ra giá này lại chưa minh bạch, tạo kẽ hỡ cho một số kẻ làm giàu nhanh chóng trong khi người bị thu hồi đất thiệt đơn thiệt kép. ĐB tỏ ra không yên tâm về khái niệm trong dự luật "giá đất phổ biến trên thị trường" cũng chỉ là thay câu chữ, không tạo ra sự khác biệt. Cần quy định bắt buộc có tư vấn định giá đất khi xây dựng giá bồi thường hoặc giải quyết khiếu nại về giá đất, giúp hạn chế sự tùy tiện của cơ quan quản lý khi xác định giá đất". Thêm vào đó, trình tự, thủ tục xác định giá đất cũng phải làm rõ. Không để tái diễn tình trạng tiền đền bù không mua nổi suất đất tái định cư.
Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, định giá đất cực kỳ nhạy cảm, liên quan trực tiếp quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Nguyên tắc "giá đất phổ biến trên thị trường" chưa đảm bảo tính minh bạch bởi giá đất biến động rất lớn, có khi thay đổi theo ngày. ĐB Huỳnh Nghĩa nói: "Khái niệm giá thị trường rất mơ hồ nên thực tế nhiều năm qua, giá bồi thường chưa bao giờ khớp với giá "tiền tươi thóc thật" trên thị trường, dẫn tới người dân liên tục khiếu nại. Do đó, cần có những tổ chức định giá độc lập để giá phù hợp với thị trường, khách quan và trung thực, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Trường hợp giá đất biến động lớn thì giá bồi thường cũng phải điều chỉnh".
Làm rõ trách nhiệm với các dự án “treo”
Cùng theo ĐB Huỳnh Nghĩa, quy định thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội là hợp lý. Tuy vậy, cần quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng, phục vụ lợi ích nhóm. Phải quy định cụ thể, chi tiết các dạng dự án được thu hồi đất, tránh lãng phí tài nguyên đất. Bên cạnh đó, một số ĐB đề nghị không quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng dự thảo vẫn giữ quy định này. ĐB Lê Trọng Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) cảnh báo: "Nếu cứ duy trì việc này, cơ chế hai giá đất vẫn còn và khiếu kiện đất đai sẽ tiếp diễn". Dù vẫn đồng ý dự luật có quy định này, nhưng ĐB Sang kiến nghị cần điều chỉnh thu hẹp đối tượng dự án kinh tế - xã hội được thu hồi đất để hạn chế tối đa nạn lạm dụng, gây thêm khiếu kiện.
Trong khi đó, ĐB Phạm Trường Dân (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần bổ sung chế tài mạnh hơn đối với dự án treo, bỏ đất hoang hóa, vì thực tế cho thấy, nhiều dự án sau khi được giao đất thường xây dựng tường rào bịt kín mà không xây nhà xưởng hòng để kéo dài nhiều năm để sau này bán dự án mà không đưa vào sử dụng. Với dạng dự án này, phải kiên quyết thu hồi, không bồi thường. Nếu chủ đầu tư không chấp hành, sẽ cưỡng chế thu hồi theo luật định. ĐB Huỳnh Nghĩa cũng đồng ý quy định "không bồi thường khi thu hồi đất vi phạm" nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và hạn chế nạn "ôm" đất để đầu cơ. Liên quan đến nội dung này, ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) và Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân lãnh đạo chính quyền địa phương khi thu hồi đất để khắc phục 4 sai phạm phổ biến hiện nay (sai quy hoạch, sai thẩm quyền, sai quy định, sai đối tượng) và xem đây như giải pháp tích cực để phòng chống, tiêu cực tham nhũng, khiếu kiện tố cáo liên quan đất đai. Bên cạnh đó, cũng phải quy trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật đất đai. ĐB Sỹ nhấn mạnh: "Cần quy định rõ chế tài "tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hoặc pháp luật hình sự đối với người đứng đầu tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai".
Đại biểu La Ngọc Thoáng (đoàn Cao Bằng) phát biểu ý kiến. Ảnh: Đăng Khoa
|
Sáng 22/11, với 100% số ĐB có mặt tại hội trường đồng ý, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC). Luật chỉnh lý, sửa đổi 23/65 điều của luật hiện hành, bổ sung 5 điều vào Dự thảo luật, đồng thời chỉnh lý kỹ thuật một số điều khoản khác cho phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành có liên quan. Theo đó, Luật quy định: Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập, quản lý. Theo Luật PC&CC, số điện thoại báo cháy được quy định thống nhất trong cả nước là 114. Cũng trong phiên họp sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua. Linh Nhi |