Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ hòa giải 5 tốt ở Thượng Thanh

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, mô hình Tổ hòa giải 5 tốt triển khai tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải kịp thời, giữ gìn tình đoàn kết ở khu dân cư.

Triển khai từ năm 2003, hoạt động của các tổ hòa giải 5 tốt tại phường Thượng Thanh được thực hiện thực chất hơn với các tiêu chí cụ thể, có sự phối hợp giữa người dân và chính quyền trong công tác hòa giải.
 Một buổi tập huấn kỹ năng công tác hòa giải tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên). Ảnh: Quang Vịnh
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh Bùi Quang Cự cho biết, xác định con người là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả công tác hòa giải, phường đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên. Theo mô hình Tổ hòa giải 5 tốt, mỗi tổ dân phố là một tổ hòa giải, hiện nay phường có 28 tổ hòa giải với 251 hòa giải viên. Chất lượng các tổ hòa giải sau khi kiện toàn được nâng cao, đáp ứng nhiệm vụ hòa giải tại cơ sở.
Cùng với việc kiện toàn các tổ hòa giải, UBND phường Thượng Thanh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các tổ, lấy kết quả hoạt động của tổ hòa giải là một trong những tiêu chí chấm điểm thi đua bình xét tổ dân phố văn hóa. "Qua theo dõi đánh giá, cơ bản hòa giải viên ở các tổ hòa giải đã phát huy được vai trò trách nhiệm của mình, kịp thời hòa giải những vụ việc mâu thuẫn, không để phát sinh thành điểm nóng. Từ đó đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” - ông Cự chia sẻ.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, muốn hòa giải thành công phải tìm hiểu rõ nguyên nhân mâu thuẫn trong từng vụ việc. Đơn cử như hòa giải vụ tranh chấp mốc giới giáp ranh giữa hai hộ dân của Tổ hòa giải số 11, phường Thượng Thanh. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chính giữa hai gia đình không chỉ là tranh chấp đất đai, mà là do mâu thuẫn khác trong cuộc sống. Từ nhận định trên, tổ trưởng hòa giải đã gặp gỡ, làm công tác tư tưởng với từng bên, sau đó mời hai bên đến để tổ chức hòa giải với sự tham gia của lãnh đạo UBND phường, cán bộ chuyên môn, tổ trưởng dân phố và trưởng ban công tác mặt trận. Sau khi nghe phân tích cùng những ý kiến có lý, có tình, các bên đã hiểu, nhận thức được thiếu sót của mình và đi đến thống nhất mốc giới.
Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh Bùi Quang Cự nhận xét, hòa giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm mà còn củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở cũng chính là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương.

Tại phường Thượng Thanh, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đạt trên 85%, số tổ hòa giải đạt tiêu chí Tổ hòa giải 5 tốt ngày càng cao. Cụ thể, năm 2014 hòa giải thành 41/43 vụ việc; năm 2015 hòa giải thành 35/37 vụ việc; năm 2016 hòa giải thành 30/32 vụ việc; năm 2017 hòa giải thành 17/18 vụ việc; năm 2018 hòa giải thành 14/15 vụ việc.