Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm về thi hành Luật Thủ đô tại Gia Lâm

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 25/1, Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) của UBND TP Hà Nội do tổ chức tọa đàm về thi hành Luật Thủ đô và đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) tại huyện Gia Lâm.

Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chủ trì buổi tọa đàm.

Tọa đàm về thi hành Luật Thủ đô tại Gia Lâm - Ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, qua việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tổng kết thi hành Luật thủ đô cho thấy, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, Hà Nội cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đảm bảo trật tự, an toàn, kỷ cương xã hội.

Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ quan là cơ bản, nhưng cũng xuất phát từ một trong những nguyên nhân khách quan rất quan trọng là hệ thống pháp luật còn có những hạn chế, vướng mắc, thậm chí là điểm nghẽn cản trở sự phát triển.

Hiện nay, TP Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, xứng đáng với vị trí, vai trò, yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Trong đó, 4 vấn đề chính sách lớn được tập trung nghiên cứu gồm: Đổi mới tổ chức bộ máy các cấp chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô; Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Nâng cao tính chủ động, ổn định, tăng nguồn thu của ngân sách, thu hút nguồn lực của xã hội phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển Thủ đô; Tăng cường phân quyền, phân cấp trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự để nâng cao tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn huyện Gia Lâm thời gian qua với những thuận lợi và bất cập, đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể về việc sửa Luật Thủ đô là thực sự cần thiết.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân đã đưa ra các kiến nghị về cơ chế, chính sách để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở y tế; phân cấp, phân quyền quản lý một số ngành như thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật để đảm bảo hiệu quả quản lý; tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, chiếu sáng… để đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị gắn với phát triển văn hóa; công tác giải phóng mặt bằng; cơ chế quản lý, khai thác đầu tư công; xây dựng công nghiệp văn hóa…