Toàn bộ các địa phương của TP Hồ Chí Minh được đề nghị công nhận kiểm soát dịch

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/10, toàn bộ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã được các đoàn kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh công nhận đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Toàn bộ các địa phương đã được đề nghị công nhận kiểm soát dịch
Chiều 11/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình chống dịch và các vấn đề được báo chí quan tâm.
 Họp báo chiều 11/10/2021
Ông Phạm Đức Hải – Phó ban, người phát ngôn Ban chỉ đạo cho biết, sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 về "Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn TP", Ban chỉ đạo đánh giá tình hình, có 5 cái được và 3 cái chưa được.
Cũng theo ông Phạm Đức Hải, 5 cái được bao gồm: Đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới; Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, tạo ra nhiều công ăn việc làm; Công tác an sinh tiếp tục được đưa đến đông đảo người dân gặp khó khăn; Phòng, chống dịch đạt được kết quả tốt và tình hình an ninh trật tự được duy trì.
Riêng đối với vấn đề phòng, chống dịch Covid-19, ngày 7/10, có 19 quận huyện và TP Thủ Đức được các đoàn kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo công nhận kiểm soát dịch. Đến ngày 8/10, có thêm huyện Bình Chánh được đề nghị công nhận kiểm soát dịch và ngày 11/10 thêm quận Bình Tân được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Như vậy, tính đến ngày 11/10, đã có 21 quận huyện và TP Thủ Đức (toàn bộ các địa phương trên địa bàn TP) được các đoàn kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo công bố kiểm soát dịch theo Quy định 3979 của Bộ Y tế.
"Ban chỉ đạo sẽ họp và xem xét, đánh giá trước khi đưa ra quyết định công nhận các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19" - ông Phạm Đức Hải cho biết.
Đối với 3 vấn đề được Ban chỉ đạo đánh giá vẫn còn hạn chế đó là một bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch như tụ tập đông người, không thực hiện 5K, không đeo khẩu trang; Số doanh nghiệp hoạt động trở lại chưa nhiều và tình hình đi lại giữa các tỉnh thành vẫn còn khó khăn.
Chưa xem xét cho mở lại dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ
Một vấn đề được báo chí quan tâm đó là bao giờ TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét cho phép dịch vụ ăn được phép phục vụ tại chỗ?
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc mở lại các dịch vụ trong thời gian vừa qua theo Chỉ thị 18, các dịch vụ được mở lại được các sở ngành tham mưu cho UBND TP quyết định, ngành nào an toàn mới cho mở lại... Loại hình dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ được đánh giá là loại hình có rủi ro do tập trung đông người. Đến thời điểm hiện nay, xét thấy việc cho phép mở lại dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ chưa cần thiết, UBND TP chưa có chủ trương cho mở lại dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ.
Một vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm đó là tiến độ giải ngân của gói hỗ trợ lần thứ 3 (hơn 7,3 triệu người được hưởng, mỗi người 1 triệu đồng).
Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, tính đến ngày 11/10, đã chi trả cho 3.762.719 người. Số người được chi trả tăng lên theo từng giờ, với tiến độ chi trả như hiện nay, đến 15/10 sẽ hoàn thành việc chi trả cho gói hỗ trợ lần 3 theo chỉ đạo của UBND TP. Riêng quận Phú Nhuận đến nay đã chi trả được hơn 90%.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lâm, trong gói hỗ trợ lần thứ 3 có cá biệt từng nơi có tình trạng chấp hành không nghiêm chỉ đạo của TP. Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND TP kiểm tra tình hình chi trả đợt 3. Sẽ có 3 đoàn kiểm tra, trong đó thành phần có đại diện HĐND, Sở Tài chính, MTTQ... UBND TP Hồ Chí Minh sẽ sớm ký ban hành kế hoạch kiểm tra.
Vẫn chưa thống nhất được phương án đi lại
Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, về vấn đề giao thông liên tỉnh giữa TP Hồ Chí Minh với 4 tỉnh lân cận, ngày 1/10 TP đã có văn bản lấy ý kiến góp ý của các tỉnh lân cận, ngày 7/10 có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, giữa các tỉnh có ý kiến khác nhau, không thống nhất. Sở GTVT đang trình cho UBND TP Hồ Chí Minh xem xét. 
Cũng theo đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, ngày 10/10 Bộ GTVT có Quyết định, số 1777, theo đó, ngày 13/10 thí điểm chuyến đầu tiên vận tải hành khách liên tỉnh, trong đó có các quy định cụ thể về tổ chức giao thông, điều kiện hành khách, lái xe, phụ xe.... Riêng đối với TP Hồ Chí Minh đã ban hành bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, trong đó ngành GTVT cũng có một bộ tiêu chí an toàn, trong đó có những quy định chặt chẽ về phương tiện, hành khách, lái xe, phụ xe... nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Một khi đã đi vào hoạt động, phải đảm bảo an toàn.