Lời cảm ơn
“Gửi tới các bác sĩ, y tá, quân nhân, cảnh sát và tình nguyện viên. Chúng tôi xin cảm ơn vì những hy sinh to lớn của các bạn giúp chúng tôi được an toàn”, đó là thông điệp mà Wayne Worrell - một công dân Anh tại Hà Nội đã gửi lên mạng xã hội. Đáng nói, đây chỉ là một trong số nhiều lời cảm ơn của cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam gửi động viên các “chiến sĩ” chống dịch Covid-19
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Wayne cho biết, sau 10 năm sống và làm việc tại Hà Nội ông đã có một gia đình nhỏ cùng 3 người con trai. Kể từ cuối tháng 1 khi việc dạy học bị tạm ngừng, ông Wayne nhận nhiệm vụ “làm bố fulltime”. Do vậy, ông muốn làm điều gì đó trong khả năng của mình để giữ thái độ sống lạc quan, đặc biệt là tạo một không khí vui vẻ đoàn kết giữa mùa dịch.
Dự án truyền thông mang tên "VIETNAM WE THANK YOU- Việt Nam Cố lên" ra đời như thế. Cùng với 29 người bạn khác từ nhiều quốc gia trên thế giới, ông Wayne đã quay các clip, làm bộ ảnh về thông điệp ghi trên giấy nhằm động viên Việt Nam giữa dịch bệnh. Các thành viên tham gia dự án đều có điểm chung là các công dân nước ngoài nhưng đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành Việt Nam.Ông cùng gia đình cũng tham gia phong trào #Clapforcarers (Vỗ tay vì những người chăm sóc chúng ta) - cùng ra ban công vỗ tay để cổ vũ cho những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Một phong trào nhỏ được nhiều người dân trong và ngoài nước tham gia vì sự đơn giản nhưng mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, nhằm tiếp sức cho những y bác sĩ đang trong cuộc chiến chống dịch bệnh.“Tôi yêu đất nước Việt Nam và muốn kết nối cộng đồng người nước ngoài tại đây với người dân trong nước để họ xích lại gần nhau hơn, đoàn kết trong thời điểm khó khăn này”, ông Wayne chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về động lực cho những hành động đẹp thời gian qua.Tôi nợ đất nước này một món nợ rất lớn!Ông Steve Jackson, một công dân Anh làm việc tại Việt Nam, đã phải thốt lên như vậy và cho rằng gia đình mình “trúng số độc đắc” khi ở lại quốc gia châu Á này lúc bão dịch bùng nổ.Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, ông Steve cho biết, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam - nơi ông làm việc phải cách ly kéo dài ra cả tháng để chung tay chống dịch cùng cả nước và ông phải làm việc tại nhà. Như bao người khác, hai vợ chồng ông phải cố gắng thích nghi với tình hình mới một cách không hề dễ dàng, nhất là việc vừa chăm con vừa làm việc, nhưng được ở lại Việt Nam đã là một “điều kỳ diệu”. “Bản thân tôi đã lấy quốc kỳ Việt Nam dùng để cổ vũ bóng đá ra buộc lên xe máy chạy ăn mừng khi đưa con đến trường. Cuộc sống bình thường của gia đình tôi đã trở lại. Những trận tắc đường tại Việt Nam vốn không dễ chịu nay lại thân thương đến lạ thường. Thậm chí cái nắng nóng 40 độ C cũng đẹp hơn trong mắt tôi. Bầu trời trong xanh của Việt Nam đối lập hoàn toàn với mùa đông ảm đạm của dịch bệnh”, theo người đàn ông Anh quốc.Theo ông Steve Jackson, Việt Nam sẽ ngày một tươi đẹp hơn, hay nói đúng hơn quốc gia này vốn đã tươi đẹp. “Phản ứng thuộc hàng đẳng cấp thế giới, sự minh bạch, cởi mở, thống nhất. Những yếu tố này có thể là tiền đề thành công cho nhiều lĩnh vực. Thậm chí nó có thể trở thành tiêu chuẩn mới cho sự thành công”, ông chia sẻ.Một Việt Nam bình yên giữa mùa dịchỞ một không gian đặc biệt hơn - khu cách ly cho người nước ngoài hồi tháng 3 khi đang ở đỉnh dịch - Gavin Wheeldon, thanh niên người Anh lại cảm nhận không khí chống Covid-19 tại Việt Nam ở một góc nhìn khác.
“Khung cảnh bên ngoài thật yên bình. Những người lính nơi đây làm việc không mệt mỏi, liên tục khử khuẩn phòng ốc, đo và ghi lại nhiệt độ, dọn sạch thùng rác của chúng tôi. Họ ở đây để phục vụ đất nước của họ. Bất chấp hiểm nguy, họ vẫn luôn thân thiện và chu đáo. Điều này khiến tôi cảm thấy mình như đang đi nghỉ dưỡng tại một doanh trại hơn là cách ly”, anh Wheeldon ngạc nhiên chia sẻ.Theo anh Wheeldon, rõ ràng là Việt Nam đã rất nỗ lực để giữ cho mọi người được an toàn. Người châu Âu ở tách biệt so với người khác và nam nữ cũng ở riêng. Những ai sức khỏe yếu hoặc đi cùng trẻ nhỏ thì được ở riêng. Sân bay hỗn loạn nhưng chỗ cách ly được tổ chức rất tốt. "Rõ ràng khi cả thế giới bị động, Việt Nam đã có chuẩn bị", anh nói. Được cứu vớt từ lưỡi hái tử thần của Covid-19 nhờ các y bác sĩ Việt Nam, đôi vợ chồng người Anh - ông Kevin Nevard và bà Hayley Nevard đã để lại một bức thư để dốc nỗi lòng mình trong những ngày được chạy chữa tại đây. Ông bà Nevard viết: "Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến mọi người đã hỗ trợ trong suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, đội ngũ cán bộ, nhân viên và đặc biệt là những người đã không quản nguy hiểm để chăm sóc, chữa trị cho chúng tôi". Trong thư, người chồng thừa nhận ông và vợ đã nhận được chăm sóc y tế rất tuyệt vời. Tất cả các đội ngũ bác sĩ, y tá, chính quyền... rất chuyên nghiệp và quan trọng hơn là các bác sĩ đối đãi với họ rất tốt.Một báo cáo của Nielsen công bố hồi tháng 8 cho thấy, vượt qua làn sóng đầu của Covid-19, vào quý II/2020, mặc dù giảm 9 điểm so với quý trước, Việt Nam trở thành quốc gia lạc quan thứ hai thế giới với Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng là 117. Bất chấp sự sụt giảm niềm tin trên tất cả các thị trường, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phân cực rõ ràng với việc có nhiều người tiêu dùng lạc quan nhất cũng như bi quan nhất trên thế giới. Trong khi Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng ở Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Indonesia vẫn trên 100 thì chỉ số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ dưới 50, mức thấp nhất trên toàn cầu. Từ thực tế có thể thấy ngay từ những ngày đầu tiên cũng như giai đoạn căng thẳng nhất khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu (cuối năm 2019-đầu năm 2020), Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm, chia sẻ khó khăn và đóng góp thiết thực vào nỗ lực chống lại đại dịch. Thành quả của những nỗ lực đó không chỉ thể hiện qua những con số trong lĩnh vực y tế hay kinh tế mà sự tin tưởng của những người bạn quốc tế cũng thể hiện một phần to lớn.
"Những người nước ngoài như chúng tôi sống tại đây bắt đầu nhận ra được có vô vàn anh hùng thầm lặng tại đây đang sống và chiến đấu cùng nhân dân." - Steve Jackson - công dân Anh |