Kinhtedothi - Theo số liệu các tổ chức tín dụng "tự báo cáo", đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng là hơn 142.300 tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20% so với cuối năm 2012. Tốc độ gia tăng nợ xấu bình quân sau 3 quý cũng giảm đáng kể (2,2% một tháng so với mức 3,91% của năm 2012).
Đó là số liệu do Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013 vừa diễn ra sáng 3/12. Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 7, nợ xấu các nhà băng "tự báo cáo" là gần 139.000 tỷ đồng (tương đương 4,58% tổng dư nợ).
Ông Lê Minh Hưng cũng thông tin thêm, từ năm 2012 đến 30/9 năm nay, hệ thống đã xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng 101.700 tỷ đồng các khoản nợ không đạt chuẩn. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2013 có 32.500 tỷ trong số này được tạm gạt ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.
Cũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2013, Phó Thống đốc thông tin thêm về tiến trình xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC). Theo đó, đến ngày 21/11, công ty đã "dọn dẹp" được gần 18.400 tỷ đồng nợ xấu. Giá mua số khoản nợ này là gần 14.400 tỷ. "Dự kiến đến hết năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu", ông Hưng nói.
Hiện VAMC tự xác định giá thị trường của mỗi khoản nợ xấu dự kiến mua, bán hoặc thông qua tổ chức định giá độc lập. Ông Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và một số cơ quan để xây dựng khung pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ.
Một vài ý kiến tại VBF năm nay cho rằng nhiều ngân hàng đã tăng được vốn khi chuyển nợ xấu qua VAMC. Về điểm này, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay từ khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu đã đánh giá rất kỹ tác động của việc xử lý "cục máu đông" qua VAMC. "Trên cơ sở lợi nhuận của toàn hệ thống thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nguồn thu của các tổ chức đủ để bù đắp chi phí trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu qua VAMC", Phó Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần ngân hàng. Theo ông, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư ngoại tối đa 20% là mức ưu đãi hơn so với các nhà đầu tư trong nước (tối đa chỉ 15%). "Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ ban hành Nghị định cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng yếu kém cao hơn mức thông thường tùy theo quyết định của Thủ tướng", ông Hưng phân tích.