Trợ lý Tổng giám đốc của WHO Bruce Aylward cho biết, có xu hướng giảm tốc độ lây lan dịch Ebola ở Liberia và tổ chức này tin rằng các biện pháp được triển khai đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo hiện còn quá sớm để nói rằng dịch bệnh đã được kiểm soát tại đây. Cuộc chiến chống Ebola cũng có những tia hy vọng mới khi WHO hôm 28/10 thông báo, vaccine chống Ebola sẽ bắt đầu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Thụy Sĩ, sau khi nhận được sự cho phép của giới chức nước này. Đây là nước thứ tư sau Anh, Mỹ và Mali tiến hành thử nghiệm trên người vaccine Ebola. Theo cơ quan quản lí dược phẩm của Thụy Sĩ, đợt thử nghiệm đầu tiên loại vaccine sẽ bắt đầu tại bệnh viện Đại học Lausanne vào 31/10 tới. Khoảng 120 tình nguyện viên, trong đó có nhiều sinh viên y khoa, sẽ được theo dõi trong 6 tháng nhằm xác định sự an toàn và hiệu quả của vaccine. Kết quả ban đầu dự kiến sẽ có vào đầu tháng 12 năm nay. Một loại vaccine khác có tên là VSV-ZEBOV do Canada sản xuất cũng đang được thử nghiệm song song tại bệnh viện Đại học Geneva, Thụy Sĩ. Trong một diễn biến khác, đại diện của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng các quan chức y tế từ 31 quốc gia ở châu Mỹ ngày 29/10 đã nhóm họp tại La Habana, Cuba, bàn cách phối hợp trong khu vực để phòng chống và kiểm soát dịch Ebola. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cách ly hơn 10 lính Mỹ sau khi những người này hoàn thành sứ mệnh hỗ trợ dập dịch Ebola từ các nước châu Phi trở về. Theo WHO, hiện đã có 13.703 trường hợp nhiễm virus, cao hơn 3.000 người so với báo cáo trước đó, tuy nhiên, nguyên nhân gây ra sự khác biệt này là do quy trình thống kê, một số trường hợp đã không được báo cáo đầy đủ trước đó.