Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tội phạm do nguyên nhân xã hội đang là nỗi lo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định là có “tín hiệu đáng mừng”.

Song, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng khi vẫn còn không ít vụ phạm pháp hình sự, vụ giết người với hành vi gây án dã man, gây án bởi người thân...
Mức độ nguy hiểm không giảm
Trong các phiên thảo luận của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vừa qua cho thấy, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đạt kết quả cao. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được các ngành, các cấp quan tâm. Công tác thi hành án có giảm về các vụ việc so với những năm trước...
Những con số tích cực đã được đưa ra, như số vụ giết người giảm 3,9%, trộm cắp tài sản giảm 4,3%, cướp tài sản giảm 12,98%, gây rối trật tự công cộng giảm 45,32%... Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, mặc dù giảm về số lượng vụ việc, nhưng tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
 Ảnh minh họa.
Không chỉ là các vụ việc vi phạm pháp luật mà còn cho thấy đạo đức của một bộ phận gia đình, xã hội xuống cấp nghiêm trọng.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) chỉ ra, một số loại tội phạm tăng, như hiếp dâm tăng 7,99%, dâm ô trẻ em tăng 46,52%, giao cấu trẻ em tăng hơn 18%... Vấn đề được đại biểu đặt ra là cần quan tâm đến nguyên nhân xã hội của hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật.
Theo các đại biểu, thực tế cho thấy, tội phạm do nguyên nhân xã hội đang có xu hướng gia tăng và trở thành nỗi lo của xã hội. Nhiều nhóm thanh, thiếu niên và người thân trong gia đình bột phát đánh nhau, gây thương tích, hoặc chết người. Động cơ chủ yếu bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, thù tức cá nhân, tranh chấp đất đai, hay mâu thuẫn nhất thời khi va chạm giao thông… Từ những mâu thuẫn nhất thời nhưng để lại hậu quả hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng.
Có liên quan đến sự xuống cấp đạo đức
Chỉ ra các thực trạng đáng báo động trong tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, qua theo dõi các vụ án gần đây, có những điểm bất thường so với giai đoạn trước. Cụ thể, xảy ra nhiều vụ án do người thân gây ra.
Đại biểu dẫn ra con số thống kê, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm 18 - 20%, tương đương khoảng 200 vụ/năm. Đây là con số rất lớn, nhiều vụ mang tính chất "thảm sát" vì lý do liên quan đến kinh tế, như vụ án gây chấn động dư luận xảy ra ở Đan Phượng (Hà Nội) mới đây, chỉ vì tranh chấp đất đai mà người anh trai ra tay sát hại gần như cả gia đình người em...
Một thực trạng đáng quan ngại khác cũng được nhắc đến là xu hướng trẻ hóa tội phạm phạm tội giết người. Theo thống kê, 60% số đối tượng phạm tội giết người ở độ tuổi dưới 30, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm 30% trong giai đoạn trước đây.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, ở đây có vấn đề liên quan đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, về cách ứng xử giữa con người với con người mà nguyên nhân trước hết đến từ giáo dục trong gia đình, nhà trường. Những vụ án này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về nhân cách.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, sự thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật của một bộ phận thanh niên hiện nay rất đáng báo động cũng là nguyên nhân gây ra thực trạng này.
Bên cạnh đó, mặt trái của công nghệ thông tin, đặc biệt là thông tin ngoài luồng xuất phát từ mạng xã hội, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh có yếu tố bạo lực, đồi trụy... đã làm gia tăng tội phạm. Rất nhiều vụ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người do ám ảnh bởi những trò chơi giết người trên game hay phim bạo lực.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, các đại biểu nhấn mạnh, không thể phó mặc cho các cơ quan tư pháp, mà cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể. Trong đó, cần có giải pháp căn cơ đến từ ngành giáo dục mới có thể tạo chuyển biến tích cực, ổn định. Do đó, Bộ Công an cần tổng kết tình hình tội phạm giết người trong thời gian qua và tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp phù hợp với tình hình mới, đặc biệt cần chú trọng vào những biện pháp phòng ngừa xã hội.