Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn tạo không gian khu phố cổ bằng quy hoạch chi tiết

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Bào tồn phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội – Khó khăn và giải pháp”.

Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, nhiều giá trị ở Khu phố cổ không còn diễn ra đầy đủ như xưa, vấn đề tôn tạo để phát huy các giá trị văn hóa là mục tiêu quan trọng được các chuyên gia thảo luận.

 

“Trong những nhân tổ làm thay đổi Khu phố cổ thì những tác động vào không gian Khu phố cổ là đáng ngại nhất vì tính lan tỏa và sức làm tan biến di sản của nó. Biểu hiệu bằng những xây dựng và cải tạo nâng chiều cao quá quy định với các công trình. Cần nhanh chóng thiết lập những giá trị mới phù hợp với cuộc sống đương đại” KTS Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hà Nội nhấn mạnh.

Hơn 30 năm trôi qua, từ năm 1985 khi “Khu 36 phố phường” Hà Nội được gọi là “Khu phố cổ” đến nay đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu và thí điểm thực hiện một số nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát triển khu phố này. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề. Thực tế đang ngày một nhiều thêm công trình thương mại xây cất mới có quy mô và hình thức kiến trúc làm hỏng không gian (như một số khách sạn mới xây ở phố Gia Ngư, Hàng Bè, Hàng Gai gần đây) mà khó khăn là chính quyền và Ban Quản lý không quản lý được, không quản lý nổi. Trong khu vực bảo tồn cấp 1 thì mật độ quá cao, đang dần ken cứng theo xu thế đặc dần, rất thiếu những khoảng nhả, khoảng rỗng cần thiết.

Việc tôn tạo hình ảnh và không gian Khu phố cổ nói chung (đặc biệt trên các tuyến phố trong danh sách những phố đi bộ) cần được triển khai chủ yếu bằng quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đầy đủ, tính toán bổ sung các điểm hoạt động văn hóa để phục vụ tích cực cho việc phát huy văn hóa truyền thống phục vụ du lịch trong Khu phố cổ. Cần tiến hành nghiên cứu vị trí một nhóm nhà để tái tạo hình ảnh nhà ống dạng “mái ngói thâm nâu” nhằm quảng bá đặc trưng về kiến trúc của Phố cổ.

“Có thể là một nhóm 5-7 nhà liền dãy ở mặt đối diện với chợ Đồng Xuân(?) ngoài việc tái lập hình ảnh xưa về hình thức, chức năng nên kết hợp làm “homestay”, biểu diễn văn nghệ, ca nhạc truyền thống…Xây dựng đủ hồ sơ để làm cơ sở quản lý cũng như chỉnh trang các tuyến phố (về kiến trúc, màu sắc, vật liệu, cảnh quan, đường, dây , cây, trạm, biển quảng cáo, số nhà, các trang thiết bị kỹ thuật đô thị). Tập trung tôn tạo tuyến phố từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục- Hàng Đào đến Hàng Giấy- Bốt Hàng Đậu thành trục trọng tâm của cả Khu phố cổ. Không gian trước chợ Đồng Xuân cần nghiên cứu thiết kế làm điểm nhấn dành cho các hoạt động văn hóa về đêm (múa Rồng, biểu diễn văn nghệ…).” TS. KTS Ngô Doãn Đức Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất.