Theo HoREA, trong số 60 dự án bất động sản được Bộ Tài chính kiến nghị Thanh tra Chính phủ rà soát việc sử dụng đất, có nhiều dự án đã hoàn thành, người dân sinh sống ổn định, có những dự án đang triển khai thi công, có những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư... nên cần có giải pháp xử lý phù hợp. Thứ nhất, vừa đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật, xác định giá đất sát giá thị trường, không làm thất thu ngân sách nhà nước. Thứ hai, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Một trong nhiều dự án nằm trong danh sách đề nghị Thanh tra tại TP Hồ Chí Minh |
Từ lập luận trên, HoREA kiến nghị Thủ tướng cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi có kết luận thanh tra. Việc này nhằm mục đích hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).Đồng thời, HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những Quyết định đã ban hành trước đó để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ. Nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất. Sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch và khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có "chân gỗ".Danh sách 60 dự án được Bộ Tài Chính chuyển cho Thanh tra Chính phủ tập trung ở 8 tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh. Trong đó, Hà Nội có 24 dự án chiếm gần 50%, TP Hồ Chí Minh có 11 dự án với nhiều dự án nằm ở khu “đất vàng”. Trước đây, các dự án đều là đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau khi chuyển đổi, các khu đất này được sử dụng để triển khai nhiều dự án lớn.