Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh tà áo dài Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/3, Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Dân trí và Đài PT&TH Hà Nội đã họp báo giới thiệu chương trình Lễ hội Áo dài 2016 chủ đề “Áo dài của chúng ta”, diễn ra tối 4/3, tại Sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Lần này, sàn diễn sẽ không chỉ dành riêng cho các người mẫu mà còn có cả các em nhỏ, những phụ nữ hơn 70 tuổi và cả người khuyết tật, nhằm tôn vinh tà áo dài, biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Áo dài, nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Áo dài, nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong vai trò tổng đạo diễn chương trình, nghệ sĩ Quang Tú cho biết, nội dung trình diễn Lễ hội Áo dài 2016 sẽ được kể theo câu chuyện giản dị, sâu sắc đặt trong các mối quan hệ gia đình. Trong đó, hướng đến sức mạnh truyền thống, chú trọng bản sắc, gia phong trong các gia đình Việt. Vậy nên Ban tổ chức đã mời 80 người mẫu chuyên và không chuyên ở mọi lứa tuổi từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó có những người mẫu đặc biệt là những cụ già, trẻ em, người khuyết tật và một số nghệ sĩ đã tạo nhiều dấu ấn như: NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Ngọc Lan, NSND Minh Châu, NSƯT Kim Tiến… những vị Đại sứ và phu nhân đại sứ một số nước tại Việt Nam. Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Sở dĩ chúng tôi phải dày công như vậy là muốn tôn vinh tà áo dài và khẳng định áo dài dành cho mọi người, ngay trong đời sống thường nhật chứ không chỉ dành cho người mẫu hay các dịp hội hè, sàn diễn thời trang”. Và áo dài Việt Nam không chỉ có sức sống trong nước mà còn vươn ra thế giới. Như chia sẻ của phu nhân Đại sứ Haiti Jovana Benoit: “Tôi là một nhà thiết kế thời trang làm việc tại Paris. Tôi có rất nhiều áo dài và thường xuyên mặc chúng. Tôi yêu áo dài và tự hào khi khoác lên bộ trang phục này, vậy thì tại sao các bạn không sử dụng áo dài nhiều hơn?”.

Câu chuyện về áo dài là câu chuyện kể không bao giờ kết thúc bởi giá trị lịch sử của bộ trang phục này còn góp phần trong việc xây dựng và tạo ra những giá trị mới, tinh thần mới. Vì thế, Lễ hội áo dài 2016 sẽ có sự tham gia của 19 nhà thiết kế trong cả nước trình diễn các mẫu thiết kế lấy ý tưởng từ những loài hoa bao hàm ý nghĩa của những lời ước nguyện và chúc tụng gửi đến tất cả phụ nữ Việt Nam. Cụ thể, Nhà thiết kế Cao Tiến Minh mang đến bộ sưu tập (BST) Hoa đào thể hiện vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm và kín đáo; NTK Đức Hải với BST Hoa Sứ  thể hiện sự tinh khiết, khởi đầu mới; NTK Ngọc Hân với BST Hoa Phù Dung thể hiện sự phú quý, hiển vinh… Thông qua chiếc áo dài và ý nghĩa của các loài hoa, một lần nữa áo dài sẽ được tôn vinh bằng phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế và diễn xuất của các người mẫu.

Sáng cùng ngày, Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo công bố Lễ hội áo dài TP Hồ Chí Minh lần thứ 3, tổ chức từ ngày 5 - 19/3. Lễ hội năm nay có chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố áo dài”, với mục đích tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng hành với lễ hội áo dài, chính quyền TP sẽ vận động người dân mặc áo dài trong các sinh hoạt đời thường nhằm làm nổi bật nét đẹp và giá trị sử dụng của áo dài.

Lễ hội áo dài lần thứ 3 có rất nhiều hoạt động bên lề, đáng chú ý, có hoạt động mua sắm dành cho du khách thông qua hình thức vận động các nhà may, các DN, trung tâm thương mại: giảm giá may áo dài cho du khách, may áo dài lấy ngay trong thời gian lễ hội, giảm giá bán vải áo dài, các phụ kiện và trang sức đi cùng với áo dài…