Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Không bao giờ mệt mỏi vì phòng, chống tham nhũng

Bài, ảnh: Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và một số Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại hai quận (Tây Hồ và Ba Đình) để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tham gia buổi tiếp xúc cử tri còn có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri kiến nghị
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều bày tỏ phấn khởi và chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội thống nhất cao bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như: Tình trạng tham nhũng; bất cập trong giáo dục; việc dạy thêm, học thêm; sự xuống cấp đạo đức trong xã hội...
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Gửi lời chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khóa bầu làm Chủ tịch nước, cử tri Nguyễn Minh Trung (phường Đội Cấn) bày tỏ tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) sẽ đạt được những thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới. Bởi, cử tri luôn đặt niềm tin vào sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. “Đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Quốc hội tiếp tục “nhóm bếp lửa” về PCTN đang rực hồng ở T.Ư xuống các địa phương, các ngành để cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ triệt hơn” – cử tri Nguyễn Minh Trung kiến nghị.
Cùng quan tâm đến công tác đấu tranh PCTN, cử tri Lưu Huy Vinh (phường Thành Công, quận Ba Đình) cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư các cấp, các ngành đã rất quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ án tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế quan trọng. Theo cử tri này, phần lớn các vụ tham nhũng đã xử lý đều rơi vào cán bộ, đảng viên. Trong đó, có cả cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý nhưng chưa thấy đề cập đến việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân làm công tác tham mưu, đề bạt. Từ đó, cử tri này đề nghị Đảng, Nhà nước cần kiểm tra, đánh giá và xem xét toàn diện về công tác bổ nhiệm cán bộ để có căn cứ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.
 Toàn cảnh buổi tiếp xúc.
Bên cạnh đó, cử tri Lê Huy Vinh cho rằng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” là một thực tế khiến dư luận bức xúc. Bởi, nhiều chủ trương, chính sách ở trên chỉ đạo rất kiên quyết nhưng ở dưới không thực hiện, thậm chí thực hiện không đúng làm giảm hiệu quả điều hành của Nhà nước, giảm lòng tin của Nhân dân. Vì vậy, cử tri mong Đảng, Nhà nước, Quốc hội sớm có giải pháp xử lý triệt để vấn đề này. Nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát để có cơ chế cụ thể, xử lý nghiêm minh đối với cấp dưới, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu gương mẫu, không thực hiện đúng quy định.
Đánh giá cao kết quả của kỳ họp thứ 6, cử tri Lê Văn Thanh (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho biết, Quốc hội đã đi sâu thảo luận những vấn đề lớn mà người dân quan tâm và điều này làm cho mối quan hệ giữa cử tri với các đại biểu ngày càng xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, cử tri này cũng đề nghị phải có chính sách phù hợp trong vấn đề giáo dục. Theo cử tri, trong những năm qua giáo dục của nước ta có tiến bộ, phát triển và Việt Nam có 2 trường đại học nằm trong top 1.000 trường trên thế giới. Tuy nhiên, cần có chính sách phù hợp về giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, nơi còn khó khăn và điều kiện học tập không đảm bảo.
Cả hệ thống vào cuộc phòng, chống tham nhũng
Ghi nhận ý kiến tâm huyết của các cử tri Hà Nội với những vấn đề của đất nước, về hoạt động đổi mới của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, qua các ý kiến của cử tri cho thấy sự thống nhất cao trong đánh giá thành công của kỳ họp; một kỳ họp ngắn về thời gian nhưng hiệu quả cao về lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 24/11.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, để có được một thành công như vậy là do chuẩn bị tốt, ý thức chính trị và trình độ đại biểu Quốc hội ngày càng nâng lên. Về chất vấn, trả lời chất vấn, do đổi mới trong việc “hỏi nhanh - đáp gọn” và tranh luận tại chỗ nên cũng phát huy cao hiệu quả dân chủ, đúng hướng. Đồng thời, thể hiện Quốc hội gắn với dân để cụ thể hóa đường lối, Nghị quyết của Đảng trong thực tế chính sách pháp luật.
Trước việc cử tri tiếp tục đề nghị làm quyết liệt hơn công tác PCTN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, không có kỳ tiếp xúc nào cử tri không đề cập đến vấn đề này. Điều này chứng tỏ đây vẫn là vấn đề lớn và được Nhân dân rất quan tâm. “Hiện nay công cuộc PCTN đã có sự vào cuộc của cả hệ thống và không một mình ai làm được cả. Sở dĩ tôi nói hình ảnh lò nóng lên rồi thì tất cả đều phải vào cuộc; khâu nào yếu phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay; đây bài học thành công và từ đây sẽ làm tiếp việc khác” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, hiện công việc cụ thể trong lĩnh vực PCTN rất nhiều nên phải bình tĩnh, làm chắc bước này mới làm bước sau và phải có lực lượng, kinh nghiệm. Bởi, chỉ riêng khâu điều tra cũng đã nhiều việc rồi lại còn luận tội, tranh tụng, xét xử thế nào cho tâm phục khẩu phục. “Thực tế những vụ vừa qua ai cãi được không và tại sao được dân đồng tình như thế. Đây là bài học rút ra để làm tiếp. Các cử tri cứ yên tâm không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi. Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Thành phố luôn quan tâm đẩy nhanh tiến độ tại các dự án

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, trước các kiến nghị thuộc thẩm quyền của TP, trong đó có vấn đề về tiến độ thực hiện Dự án đường Liễu Giai - Văn Cao bị chậm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án bị chậm tiến độ là do chưa giải quyết xong chính sách và giá bồi thường cho 54 hộ dân tại đây. Thời gian tới, TP sẽ rà soát lại và xin ý kiến Bộ Tài chính có chính sách hợp lý nhất để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đối với kiến nghị về việc các dự án đội vốn, trong đó có Dự án đường sắt số 2 (đoạn tuyến từ Nam Thăng Long đi Trần Hưng Đạo), Chủ tịch UBND TP cho biết, ban đầu dự toán hơn 19.000 tỷ đồng nhưng đến nay sau khi trình phê duyệt phát sinh hơn 35.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thời gian nghiêu cứu tiền khả thi dự án dài; giá nhân công và giá nguyên vật liệu đều tăng. Vì vậy, thời gian vừa qua, đối với việc lập các dự án đường sắt còn lại, TP Hà Nội đã giao cho các đơn vị tư vấn chỉ trong 6 tháng đến 1 năm phải lập xong nghiên cứu tiền khả thi để trình phê duyệt và từ đó đảm bảo tiến độ thực hiện dự án…