Trình bày chương trình hành động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, chương trình hành động ông đã gửi đến Ban Tổ chức, xin không trình bày lại mà dành thời gian để tâm sự với cử tri.
“Tiểu sử của tôi cũng đã gửi đến các bác, các anh, các chị. Quá trình công tác thì các bác, các anh, các chị cũng đã biết, kể cả lời hứa nếu sắp tới trúng đại biểu Quốc hội làm gì, tôi cũng đã có chương trình hành động”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và xin được tâm sự trong không khí thân tình, không nhắc lại chương trình hành động đã gửi bằng văn bản.
Chia sẻ với cử tri về quá trình học tập từ nhỏ và quá trình công tác sau này, Tổng Bí thư cho biết, ông sinh năm 1944, tức là năm Giáp Thân, ở Đông Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh, sau này sắp xếp lại thì thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Theo Tổng Bí thư, năm 1944 là thời điểm đất nước đang khó khăn, năm 1945 (năm Ất Dậu) là năm Cách mạng Tháng 8 thành công rất vĩ đại nhưng cuộc sống vấn còn khó khăn. "Năm 1946 tôi mới 2 tuổi. Mẹ tôi kể lại, gánh tôi một bên thúng ngồi, chị tôi một bên thúng ngồi, bà gánh đi bộ từ Đông Anh lên Thái Nguyên tản cư, ở nhờ nhà người quen từ năm 1946 đến năm 1950. Năm 6 tuổi, tôi hồi cư trở về quê và bắt đầu được đi học. Lúc đó không có trường lớp gì cả, có ông giáo làng dạy cho trẻ con. Đến lên cấp 2, Từ Sơn, Bắc Ninh không có trường học, tôi phải sang học nhờ ở huyện Gia Lâm"- Tổng Bí thư kể. Đồng thời cho biết, trong những năm tháng chiến tranh, ông từng xin nhập ngũ để chiến đấu nhưng không được đồng ý cùng với lời giải thích "có người phải đi chiến đấu nhưng cũng phải có người phải ở lại học để khi thắng lợi còn xây dựng đất nước". Sau đó ông vào đại học, ra trường công tác qua nhiều nhiệm vụ khác nhau.
“Tôi vào Đảng từ năm học Đại học, được sự phân công của Đảng, tôi chấp hành thôi. Sau đó tôi được phân về Tạp chí Cộng sản từ năm 1967. Đến năm 1996, được chuyển lên Trung ương, làm công tác tư tưởng, chính trị, nghiên cứu lý luận, phụ trách công tác lý luận của Đảng và làm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Từ năm 1996, được phân công về Hà Nội, làm Phó Bí thư Thành ủy, phụ trách khối Đại học và Cao đẳng đóng trên địa bàn TP Hà Nội. Sau đó, làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ năm 2000 - 2006; hai khóa làm Chủ tịch Quốc hội; được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước”- Tổng Bí thư nói. .
Tổng Bí thư cũng chia sẻ: “Tôi năm nay 77 tuổi rồi. Tại họp báo sau Đại hội, tôi đã nói công khai, năm nay tôi đã cao tuổi rồi, sức khoẻ có hạn, tôi xin không ứng cử nhưng Trung ương quyết định, Đại hội bầu, là đảng viên nên tôi phải chấp hành. Lần này được Trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Hôm rồi tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, tôi cũng đã nói sở dĩ bản thân có sự trưởng thành như thế này là nhờ sự giúp đỡ của Nhân dân, sự giáo dục của Đảng, sự chia sẻ của tất cả anh em đồng nghiệp. Tôi đã tiếp xúc cử tri nhiều lần ở quận Ba Đình và lắng nghe ý kiến của các bác. Lần này được giới thiệu, nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình, làm những gì đã có trong chương trình hành động” - Tổng Bí thư chia sẻ.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Nếu được trúng đại biểu Quốc hội khóa XV thì đó là vinh dự lớn của tôi. Với kinh nghiệm từng làm Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để đóng góp vào sự phát triển của Đất nước, tiếp tục và kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri. Xin cảm ơn cử tri đã liên tục góp ý kiến để đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và cá nhân tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”
Nhắc lại nhận định "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" - Tổng Bí thư chia sẻ "Trước kia làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập. Ngày xưa Hà Nội làm gì có cơ ngơi như bây giờ mà nổi tiếng là thành phố xe đạp, xe máy, bây giờ ô tô không có chỗ đỗ. Tôi đã nói trước các nguyên thủ quốc gia là Việt Nam không thua kém ai cả".
Điều này đã được đông đảo Nhân dân ủng hộ và được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý là tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, bởi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến tạp và còn rất nhiều khó khăn trên con đường phát triển đi lên. Chính vì vậy cả hệ thống chính trị cần tiếp tục đồng lòng, đoàn kết, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh đưa đất nước vượt qua được những khó khăn thách thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để làm được điều này, mỗi đại biểu Quốc hội phải thường xuyên gắn bó với Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động của mình để triển khai thực hiện có hiệu quả, đóng góp được nhiều nhất cho đất nước, cho Nhân dân.
Tổng Bí thư cũng bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ thực sự thành công, bầu ra đại biểu xứng đáng vào Quốc hội. "Từng đại biểu phải làm tròn trách nhiệm, không được "cua cậy càng, cá cậy vây", phải đoàn kết. Các bác, các anh, các chị nói quá hay, quá đúng, chúng tôi dù có trúng cử hay không cũng phải làm công dân gương mẫu của nước Việt Nam anh hùng, Thủ đô ngàn năm văn hiến" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.