Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Đổi mới vì lợi ích cộng đồng

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 vừa qua được coi là một năm thành công và chuyển mình mạnh mẽ của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) với những đổi thay thiết thực, hiệu quả vì lợi ích cộng đồng, vì một Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống.

Định hình lại mạng lưới xe buýt
Xe buýt đã xuất hiện ở Hà Nội từ rất lâu, nhưng phải đến năm 2001, khi Transerco bắt tay vào đầu tư, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) hiện đại, chất lượng cao, xe buýt mới thực sự trở nên gần gũi với người dân Thủ đô. Năm 2016, một lần nữa Transerco lại tiến hành những đổi mới mang tính đột phá, khoa học để định hình lại mạng lưới xe buýt Hà Nội.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và các đại biểu cắt băng khai trương tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa sáng ngày 31/12/2016. Ảnh: Ngọc Hải
Nếu trước đây tất cả xe buýt trên mọi tuyến đường đều một màu vàng đỏ giống nhau thì nay, các loại hình buýt đã bắt đầu được phân định rõ ràng hơn, giúp hành khách dễ dàng nhận biết, lựa chọn hơn rất nhiều. Khởi đầu cuộc “cách mạng” màu sắc của xe buýt Transerco là tuyến buýt số 86 Ga Hà Nội - Sân bay Nội Bài ra đời vào tháng 4/2016 với màu da cam riêng biệt. Song song với việc thay đổi nhận diện thương hiệu mới bằng hình ảnh chim bồ câu cách điệu gắn biểu tượng Khuê Văn Các, lần lượt các tuyến buýt số 18, 33, 36, 38, 89… cũng được “thay da đổi thịt”.
Tiếp đó, tháng 12/2016, tuyến buýt số 90 Kim Mã - Sân bay Nội Bài cũng được trình làng với màu áo cam đã dần trở nên quen thuộc. Anh Trần Thanh Tùng (Ba Đình) cho biết: “Tôi đã quen dần với việc phân biệt, xe buýt màu cam là đi sân bay, màu xanh lá là buýt gom, đi qua các khu đô thị, màu xanh dương là buýt trong nội đô. Như thế dễ nhớ, dễ tìm hơn nhiều việc cứ phải căng mắt lên nhìn số hiệu tuyến từ xa”. 
Không chỉ đổi mới về hình thức, hàng loạt tuyến buýt của Transerco còn được thay thế phương tiện mới, nhiều tiện ích hơn, gần gũi với hành khách, thân thiện với môi trường. Các tuyến buýt số 18, 33, 36, 38, 84, 85, 89… đều có sàn bán thấp; đạt tiêu chuẩn khí thải EUR 3; có wifi miễn phí; hệ thống âm thanh tự động báo điểm dừng đỗ và tuyến buýt kết nối. Những tiện ích hiện đại này tạo nên một sức hút rất lớn đối với hành khách, đặc biệt là lứa tuổi từ 18 - 50. Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ: “Sự hài lòng, yêu mến của hành khách là mục tiêu cao nhất của chúng tôi. Transerco sẽ nỗ lực hết mình để xe buýt không chỉ là phương tiện đi lại mà còn trở thành một nét văn hóa đang tự hào của người Hà Nội”.

Nỗ lực không ngừng

Với một tập thể gần 11.000 con người luôn tràn trề khát khao cống hiến và sáng tạo, Transerco - đơn vị vận tải mang biểu tượng Thủ đô đang hướng đến mục tiêu: người dân ở bất kỳ đâu, chỉ cần đi bộ khoảng 300 - 500m sẽ đi được xe buýt. Chủ tịch HĐTV Transerco Nguyễn Phi Thường nhận định: “Trong bối cảnh hạ tầng giao thông kém phát triển; không gian lưu thông dành riêng cho xe buýt hoặc để người dân tiếp cận xe buýt còn thiếu trầm trọng; thói quen sử dụng phương tiện cá nhân còn phổ biến, để đạt được mục tiêu này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với quyết tâm và sự nỗ lực không mệt mỏi, chúng tôi tin tưởng sẽ sớm thành công”.

Dù thực tế, năm 2016 được xem là một trong những năm khó khăn nhất với ngành VTHKCC Transerco vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân. Toàn mạng lưới tiếp tục được mở rộng, cải thiện và hợp lý hóa với tổng cộng 90 lần điều chỉnh đối với 50 tuyến, điều chỉnh vùng phục vụ cho 13 tuyến; mở mới 6 tuyến buýt. Nhiều khu vực ngoại thành như Quốc Oai, Xuân Mai và các khu đô thị mới: Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Mỹ Đình, Tứ Hiệp, Kiến Hưng… đã có xe buýt phục vụ. Riêng trong tháng 12/2016, Transerco đã đưa vào vận hành thêm 3 tuyến mới trong đó có 1 tuyến BRT, tăng tổng số tuyến buýt toàn mạng lên 94 tuyến. Bên cạnh đó, còn có 127 phương tiện mới được đầu tư, thay thế, nâng tổng số xe buýt của Transerco lên 1.093 chiếc.

Năm 2017, Transerco xác định tiếp tục phát triển và cải thiện mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Dự kiến Transerco điều chỉnh dịch vụ 33 tuyến, mở mới 14 tuyến buýt, đưa tổng số tuyến trong toàn mạng lên 108 tuyến. Đặc biệt, Xí nghiệp buýt nhanh BRT đã được thành lập, tiếp nhận, vận hành và quản lý tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. Đây là tuyến buýt BRT VTHKCC khối lượng lớn và thay đổi thói quen đi lại của người dân, hành khách. Dù còn rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng Transerco đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản cho thử thách mới. 70 lái xe và hàng trăm nhân viên phục vụ đã được đưa đi đào tạo chuyên biệt về nghiệp vụ vận hành xe buýt BRT. Hầu hết các cán bộ, nhân viên được đưa từ những xí nghiệp thành viên về xây dựng nền tảng cho xí nghiệp buýt nhanh BRT đều là những tinh anh được lựa chọn từ hơn 11.000 nhân sự của Transerco.

Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội Nguyễn Trọng Thông nhận định, về lâu dài, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện VTHKCC chính của Hà Nội bên cạnh những loại hình mới như đường sắt đô thị, buýt nhanh BRT... Trên thực tế, kể cả các nước phát triển nhất, có mạng lưới giao thông vận tải hiện đại, thông minh nhất như Nhật Bản, Pháp, Mỹ… cũng không từ bỏ xe buýt. Bởi vậy, trong tương lai, Transerco sẽ cần phát huy hơn nữa tinh thần và sức mạnh tập thể, tìm tòi sáng kiến, giải pháp giúp phát huy tối đa vai trò của một DN sinh ra để phục vụ cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết.