Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6/2018 xuất siêu 799 triệu USD, còn tháng 7/2018 ước tính nhập siêu 300 triệu USD. |
Xuất khẩu đã vượt mức 133 tỷ USD. Ảnh minh họa. |
Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 3,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,1 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,2 tỷ USD.Tính riêng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2018 ước tính đạt 19,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước, trong đó một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 7 có kim ngạch giảm: Điện tử máy tính và linh kiện giảm 7,5%; sắt thép giảm 8,7%; hóa chất giảm 9,2%; xăng dầu giảm 14,4%; gạo giảm 18,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 19%.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng: Than đá tăng 59,4%; dầu thô tăng 40,9%; hàng dệt may tăng 5,6%; điện thoại và linh kiện tăng 5,4%.
Tính chung 7 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14%.
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước bao gồm: Kim loại thường tăng 67,3%; rau quả tăng 33,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7%; sắt thép tăng 7%; hóa chất tăng 5,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 4,2%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 24,2 tỷ USD, tăng 12,9% và Trung Quốc đứng thứ ba với 19,5 tỷ USD, tăng 24,7%.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số thị trường xuất khẩu lớn khác là ASEAN đạt 14,2 tỷ USD; Nhật Bản đạt 10,4 tỷ USD và Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 7 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017. |
Xuất khẩu gạo tháng 7/2018 ước đạt 382.000 tấn với giá trị đạt 195 triệu USD |
7 tháng, xuất khẩu gạo đạt gần 2 tỷ USD
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo tháng 7/2018 ước đạt 382.000 tấn với giá trị đạt 195 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần. Tiếp theo là Indonesia với 18,2% thị phần, Philippines với thị phần 10,4%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 là Indonesia (đạt 322 triệu USD), Iraq (đạt 85,5 triệu USD gấp 2,5 lần), Malaysia (đạt 138,2 triệu USD, tăng gấp 2,1 lần), Philippines (đạt 183,4 triệu USD, tăng 76,8%) và Bờ Biển Ngà đạt 66,4 triệu USD, tăng 16,8%.
Về cơ cấu gạo xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của gạo trắng 5% tấm đạt 550,4 triệu USD, chiếm tỷ lệ cao nhất 30,8%, chủ yếu sang thị trường Indonesia và Philippines. Các loại gạo thơm có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 với giá trị 472,6 triệu USD, chiếm tỷ lệ 26,5%, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Ghana và Iraq.
Gạo nếp đứng thứ 4 sau gạo trắng 15% tấm với giá trị xuất khẩu 249,3 triệu USD, chiếm 13,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất với thị phần 81,6% mặc dù từ tháng 7/2018, Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50% khiến xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá xuất khẩu giảm 50-60 USD/tấn so với trước khi áp thuế còn 424 - 435 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, những tháng cuối năm 2018, ngành gạo sẽ đối mặt nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu do thị trường lớn nhất là Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu và tăng cường kiểm soát chất lượng. Đồng thời, giá gạo cũng sẽ khó đạt được mức cao do đồng USD tăng giá gây sức ép lên giá xuất khẩu, nguồn cung từ vụ hè thu ở Việt Nam, Thái Lan cũng đang tăng cao. Do đó, các DN cần tập trung đẩy mạnh kiểm soát chất lượng gạo xuất khẩu và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.