Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng điều tra dân số và nhà ở: Cơ sở hoạch định chiến lược phát triển đất nước

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành 10 năm một lần vào ngày 1/4. Năm 2019 là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện cuộc điều tra này nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong tổng điều tra dân số tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Khắc Kiên
Tăng tốc tận dụng “cơ cấu dân số vàng”
Theo kết quả điều tra năm 2009, dân số Việt Nam (đến ngày 1/4/2009) là 85.846.977 người, trong đó có 42.413.143 nam (chiếm 49,4%) và 43.433.854 nữ (chiếm 50,6%). So với cuộc tổng điều tra kỳ trước đó (1999) số dân nước ta tăng thêm 9,523 triệu người. Tỷ lệ biết chữ của số người từ 15 tuổi trở lên đã tăng (từ 90,3% năm 1999 lên 94% năm 2009) cho thấy những cố gắng đáng kể của ngành giáo dục trong việc giảm số người không đến trường. Cuộc sống của người dân đã có sự cải thiện đáng kể. Kết quả tổng điều tra đã phản ánh đúng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm qua của đất nước và cho thấy Việt Nam đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng", mở ra tiềm năng to lớn để bước vào thời kỳ phát triển ổn định.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục phát triển bền vững toàn cầu được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, ngoài thông tin cơ bản về tình hình dân số, nhân khẩu học và nhà ở, một số thông tin phục vụ đánh giá thực hiện các chỉ tiêu SDGs (mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên Hợp quốc) đã được thiết kế để thu thập trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Bích Lâm cho biết, dân số có "cơ cấu vàng" khi tỷ lệ những người trong độ tuổi từ 15 đến 64 chiếm 66% trở lên. Song để tận dụng cơ hội “dân số vàng”, còn phải trả lời những câu hỏi bao nhiêu phần trăm những người “trong độ tuổi lao động” có khả năng làm việc? Bao nhiêu phần trăm “những người có việc làm” làm việc có năng suất, thu nhập cao? Nếu những người “có khả năng làm việc” lại thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thì cơ hội “dân số vàng” bị bỏ lỡ; đất nước chậm, thậm chí không thể phát triển.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang hưởng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và sẽ kết thúc vào năm 2040 khi tỷ lệ dân số 60 tuổi trở lên chiếm tới 20% dân số (với khoảng 21 triệu người cao tuổi). Do đó, Việt Nam phải khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này cho các mục tiêu phát triển.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2016, dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã tăng hơn 461.000 người so với năm 2015, đạt mức 54,45 triệu người. Tuổi thọ bình quân tự nhiên của Việt Nam tăng lên trong những năm qua từ 67,5 lên 72 tuổi trong giai đoạn 2000 - 2016, cao nhất trong các nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mekong. Chỉ số này tăng lên thể hiện sức khỏe và tuổi thọ của người dân Việt Nam đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo đảm hưu trí và chăm sóc người cao tuổi. Công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều thách thức mới, nhất là khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao, tốc độ già hóa dân số nhanh...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở T.Ư nhấn mạnh, cuộc điều tra lần này nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời là cơ sở quan trọng để xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Các chuyên gia cho rằng, sau kết quả tổng điều tra dân số lần này, thông tin từ cuộc điều tra, còn giúp Chính phủ đưa ra các giải pháp như: Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao... nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử

Diễn ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang bùng nổ, tổng điều tra dân số và nhà ở lần này được thiết kế với nhiều đổi mới quan trọng, mang tính đột phá, đó là sử dụng CNTT ở tất cả các công đoạn, hạn chế tối đa việc thu thập thông tin bằng phiếu giấy. Thay vào đó là phiếu điện tử được điều tra viên thực hiện trên thiết bị cầm tay và phiếu điều tra trực tuyến trên mạng internet. Do đó, với mật khẩu cho mỗi cá nhân, người dân có thể trả lời thông tin khi tham gia điều tra trực tuyến online vào bất cứ thời điểm nào.

Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6, Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định một nội dung quan trọng là nâng cao chất lượng dân số. Ðây là tiền đề để hình thành nguồn số liệu về nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước trong CMCN 4.0. Ngoài ra, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cũng đã hoạch định nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt xác định các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu số ứng dụng công nghệ thông tin như: Triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng đề án củng cố hệ thống thông tin thống kê chuyên ngành dân số; hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số, cung cấp thông tin, số liệu dân số đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức trong toàn xã hội, phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.