Theo ghi nhận, buổi tổng duyệt diễn ra nghiêm túc, công phu với đầy đủ các nội dung như: văn nghệ chào mừng; tuyên bố lí do và giới thiệu đại biểu; phát biểu khai mạc; phát biểu chào mừng; nghi thức khai mạc; chào kết….
Bên cạnh chương trình tổng duyệt trên sân khấu chính, thì Ban tổ chức còn tham quan, khẩn trương kiểm tra lại lần cuối toàn bộ các hạng mục trên đường Nguyễn Huệ.
Theo đó, lễ khai mạc tối 23/8 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ mang đến Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dấu son Hà Nội” gồm các màn trình diễn ca múa đặc sắc trên sân khấu, lấy ý tưởng từ Cột cờ Hà Nội - di tích lịch sử đặc biệt, một trong những biểu tượng của Thủ đô. Biểu tượng này được xem như “chứng nhân lịch sử” cho sự kiên cường, bất khuất của người dân Thủ đô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của đất và người Hà Nội cũng được thể hiện qua sân khấu, tái hiện bằng những khung tranh “Phố Phái” đầy cảm xúc.
Chương trình là sự kết hợp giữa các phần trình diễn dàn nhạc - hợp xướng - ca, múa, hoạt cảnh gợi mở dưới góc độ nghệ thuật những giá trị lịch sử, văn hoá và giới thiệu khái quát về một Thủ đô Hà Nội: Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến; Thủ đô Hà Nội - TP Anh hùng; Thủ đô Hà Nội - TP vì Hòa bình, TP Sáng tạo.
Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Giang cho biết, chương trình khai mạc chính thức vào tối mai 23/8, sẽ mở màn với phóng sự “Hà Nội trong dòng chảy 70 năm”, kể về Thủ đô trong quá trình 70 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển.
Sau phóng sự là chương trình nghệ thuật tái hiện chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc mà bắt đầu từ tình yêu, sự tự hào và niềm kiêu hãnh của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung. Khán giả sẽ được nhìn thấy hình ảnh đoàn quân kiêu hùng trở về tiếp quản Hà Nội trong niềm hân hoan của cả dân tộc.
Trong phần “Hương sắc Hà thành”, chương trình giới thiệu bản sắc về văn hóa, con người Hà Nội hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Các tác phẩm được trình diễn trong phần này là: “Xẩm Hà Nội”, “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”…
Phần “Dòng chảy thời đại” sẽ khắc họa hình ảnh Hà Nội hôm nay phát triển rực rỡ nhiều mặt. Hà Nội cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác đang mang đến nguồn sức mạnh nội sinh to lớn cho cả dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Những ca khúc thể hiện phần này gồm có: “Hello TP Hồ Chí Minh - Xin chào thành phố”, “Hà Nội - TP Hồ Chí Minh viết tiếp những giấc mơ”, mashup “Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Quê hương Việt Nam”...
Chương trình có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng: Hồng Nhung, Tùng Dương, Đào Mác, Nguyễn Ngọc Anh, Hồ Trung Dũng, Vũ Thắng Lợi, Đông Hùng, Đào Tố Loan, Nhóm MTV, Quách Mai Thy; Nhà hát Múa rối Thăng Long; Dàn nhạc Hồng Kiên; Nhóm múa Mai Trắng; CLB Người mẫu Xuân Lan - NTK Đức Hùng…
Chương trình “Dấu son Hà Nội” được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và tiếp sóng của nhiều địa phương trên toàn quốc.
Cùng với chương trình khai mạc, “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” còn có loạt sự kiện hấp dẫn như: Trưng bày giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long; giới thiệu triển lãm tranh, ảnh về Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; giới thiệu tinh hoa Đạo học Việt Nam tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn; triển lãm ảnh 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại khu vực mô hình cầu Long Biên; hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; quảng bá và giới thiệu ẩm thực Hà Nội; chương trình giao lưu nghệ thuật “Giai điệu trẻ” vào tối 24/8 tại sân khấu chính...
Điều chỉnh giao thông phục vụ "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh"
Ngày 22/8, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh có văn bản thông báo điều chỉnh giao thông trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 nhằm phục vụ tổ chức chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh".
Cụ thể, cấm tất cả các loại xe lưu thông vào đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng), quận 1 từ 18 giờ - 22 giờ tối 23/8 vào đường Nguyễn Huệ để tổ chức “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh".
Lộ trình thay thế như sau:
Hướng lưu thông từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng: Đường Lê Thánh Tôn → đường Đồng Khởi → đường Tôn Đức Thắng.
Hướng lưu thông từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Thánh Tôn: Đường Tôn Đức Thắng → đường Hàm Nghi → đường Pasteur → đường Lê Thánh Tôn.
Sở GTVT cũng lưu ý, người điều khiển phương tiện giao thông cần chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông, Cảnh sát giao thông hoặc theo hướng dẫn của hệ thống biển báo trên đường.