Tổng kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/3, chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình, triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống ngộ độc methanol trong rượu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội sẽ tổng kiểm tra các sở sản xuất, kinh doanh rượu trên toàn địa bàn TP từ hôm nay (16/3).

Việc làm này hy vọng sẽ kiểm soát được tình hình ngộ độc methanol trong rượu đang nhức nhối hiện nay.

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu

Chưa đầy một tháng, Hà Nội đã ghi nhận tới 25 ca ngộ độc methanol trong rượu, 3 trường hợp đã tử vong. Trong khi đó, theo thống kê của ngành y tế Hà Nội, các năm trước, cả năm cũng chỉ ghi nhận 15 - 20 trường hợp. Các đoàn kiểm tra liên ngành của TP, quận, huyện, chi cục quản lý thị trường ráo riết ngày đêm đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhưng mới chỉ tập trung tại các điểm nóng như quận Đống Đa, Cầu Giấy. Do vậy, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã chính thức thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Phó Chủ tịch UBND TP chỉ rõ, các sở, ngành thành lập 10 đoàn kiểm tra; mỗi quận, huyện, thị xã phải huy động lực lượng thành lập mỗi địa phương 10 đoàn kiểm tra liên ngành. Tại các xã, phường, đích thân Phó Chủ tịch xã, phường phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 buổi một tuần. “Phải kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công nằm trong các khu dân cư, kiểm tra các nhà hàng ăn uống có bán rượu và ngay cả các quán nước vỉa hè” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Lấy mẫu rượu kiểm tra nồng độ methanol tại một nhà hàng ở quận Thanh Xuân sáng 14/3. Ảnh: Hà Ngân

Đề xuất phương án quản lý tối ưu nhất, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, trước mắt nên để các quận, huyện, xã, phường tự kiểm tra: “Hiện, quận Thanh Xuân đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cho lực lượng Tổ trưởng Tổ dân phố và cảnh sát khu vực, vì đây là 2 lực lượng gần dân nhất. Mỗi cảnh sát khu vực quản lý không quá 250 hộ dân, lại là người nắm tình hình dân cư nên sẽ nắm được hộ nào sản xuất rượu, hộ nào kinh doanh rượu, hộ nào sản xuất rượu công nghiệp”. Cùng với đó, đại diện Công an TP Hà Nội góp ý kiến thêm, một viên cồn công nghiệp nhỏ pha với 10 lít nước là thành rượu, mà loại cồn này đang được bày bán tại các chợ nên cần giao trách nhiệm cho Ban quản lý chợ rà soát kiểm tra các quầy hàng bán cồn công nghiệp.

Quản lý chặt rượu tại các cửa hàng ăn uống

Kiểm soát nguồn gốc rượu tại nơi sản xuất là điều quan trọng, nhưng theo ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, TP cần kiểm soát chặt rượu tại cửa hàng ăn uống, vì đây là đầu mối tiêu thụ rượu khá lớn. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân băn khoăn, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy phép bán lẻ rượu có được phép bán rượu hay không: “Tất cả các nước đều rất chú trọng vấn đề này nhưng ở nước ta cứ cửa hàng ăn uống là ngầm hiểu được phép bán rượu. Cái này tôi nghĩ chúng ta phải siết chặt lại, cần yêu cầu các cửa hàng kinh doanh ăn uống phải xin giấy phép bán rượu thì mới được bán, đồng thời kê khai rõ rượu bán là rượu nào, nguồn gốc ở đâu. Sau này khi kiểm tra nếu phát hiện bán loại rượu không đăng ký thì xử lý nghiêm, hay trong trường hợp loại rượu đã đăng ký gây ngộ độc thì từ đó có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc”. Ngoài ra, ông Lưu đề xuất với TP yêu cầu các nhà hàng tiệc cưới phải đăng ký với chính quyền về số tiệc cưới trong một tuần, về quy mô và sử dụng nguồn thực phẩm, đặc biệt rượu, bia có nguồn gốc từ đâu nhằm tránh tình trạng ngộ độc tập thể.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu giao Sở Y tế và Sở Công Thương xây dựng dự thảo chế tài về quản lý bia, rượu trên địa bàn. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, ngoài việc kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất rượu, cơ sở sản xuất rượu thủ công, cần kiểm soát nguồn rượu lưu hành từ địa phương khác vào Hà Nội. “Trường hợp công an TP hay lực lượng quản lý thị trường phát hiện hay bắt lô rượu nào không rõ nguồn gốc từ địa phương khác vào Hà Nội thì phải báo ngay cho chính quyền địa phương các quận, huyện để kịp thời thông báo đến người dân” - Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo. Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc rượu methanol đến người dân, đọc thường xuyên trên loa truyền thanh các khuyến cáo về ngộ độc methanol.

Ngày 15/3, Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về VSATTP đã quyết định triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2017 với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP T.Ư giao Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận và Phú Yên.


Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 15/3, các đoàn kiểm tra từ TP đến địa phương đã kiểm tra 1.597 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thu giữ gần 30.000 lít rượu không rõ nguồn gốc, tiêu hủy 140 lít, xử phạt gần 500 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra đã lấy 429 mẫu rượu xét nghiệm nhanh, 46 mẫu được gửi xét nghiệm tại labo, trong đó có 5 mẫu vượt giới hạn cho phép.