Còn nhiều nỗi lo
Những năm gần đây, dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô rất phát triển do nhu cầu của phụ huynh. Đi cùng với đó là sự gia tăng về số lượng xe đưa đón học sinh.
Theo một thống kê chưa đầy đủ của Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 100 đơn vị vận tải làm dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô, mỗi ngày phục vụ đưa đón hơn 19.000 học sinh đến trường.
Dù tạo thuận tiện cho phụ huynh nhưng thực tế, dịch vụ xe đưa đón học sinh còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu sót trong quy định pháp luật và giám sát thực hiện. Với những gia đình có con nhỏ sử dụng dịch vụ xe đưa đón, phụ huynh không khỏi lo lắng khi thi thoảng lại xuất hiện vụ việc trẻ bị quên trên xe, và để lại những hệ quả đau lòng.
Thời điểm năm 2019, cả xã hội bàng hoàng trước thông tin một em nhỏ tử vong trên xe đưa đón của trường Tiểu học Gateway (TP Hà Nội) do bị bỏ quên nhiều giờ và không biết cách nào để thoát ra.
Tưởng rằng sau vụ việc này thì việc đưa đón học sinh sẽ được cẩn trọng, an toàn hơn nhưng 5 năm sau đó, tháng 5/2024, dư luận lại một lần nữa đón nhận thông tin bé trai 5 tuổi, học sinh Trường mầm non Hồng Nhung 2 (Thái Bình) tử vong vì bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của nhà trường.
Những hậu quả đáng tiếc vừa nêu đặt ra yêu cầu cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nướcđối với nhà trường, giáo viên, học sinh, nhất là trách nhiệm của người lớn.
Để hạn chế những vụ việc thương tâm như trên, Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã dành 1 điều với 6 khoản quy định về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Cụ thể, tại Điều 46 Luật TTATGT quy định: Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh; phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Bên cạnh đó, luật cũng tăng cường trách nhiệm đảm bảo ATGT của cơ sở tổ chức đưa đón trẻ.
Tăng cường quản lý
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long đánh giá, thời điểm sắp bước vào năm học mới, công tác đảm bảo an toàn giao thông trong việc đưa đón học sinh qua dịch vụ xe hợp đồng rất quan trọng.
Để đảm bảo chất lượng xe phục vụ vận chuyển học sinh, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện, chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe không đủ điều kiện quy định.
Các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển…
Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo Thanh tra Sở GD&ĐT phối hợp với Thanh tra Sở GTVT rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Thanh tra Sở GTVT có trách nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đặc biệt đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô.
Sở GTVT giao Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng liên quan và nhà trường tổ chức kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng đưa đón học sinh trên địa bàn TP, báo cáo kết quả trước ngày 30/9/2024.
Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Đình Quyền cho biết, Thanh tra Sở GTVT đã có kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với xe hợp đồng vận chuyển học sinh.
Cụ thể, các Đội thanh tra GTVT chủ động bố trí lực lượng phối hợp với phòng GD&ĐT các địa phương, lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự và các trường học trên địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ xe hợp đồng vận chuyển, đưa đón học sinh tại các trường học trên địa bàn TP.
Nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện như: Giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phù hiệu xe, hợp đồng vận chuyển, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe và truyền dữ liệu theo quy định, có cải tạo phương tiện hay không; kiểm tra điều kiện người lái xe gồm: Giấy phép lái xe, chứng chỉ tập huấn nghiệp vụ vận tải, thẻ nhận dạng lái xe; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP.
Chuyên đề kiểm tra xe đưa đón học sinh chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đã thực hiện từ ngày 11/8/2024 đến ngày 24/8/2024.
Giai đoạn 2 từ ngày 6/9/2024, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp người lái xe, phương tiện vận chuyển học sinh vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe ô tô theo hình thức hợp đồng.
Bên cạnh công tác kiểm tra định kỳ, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra đột xuất mang tính "hậu kiểm" các xe ô tô đưa đón học sinh, để đảm bảo việc tuân thủ các quy định an toàn cho học sinh.