Theo kế hoạch của Tổng thầu, toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ chạy thử lần cuối trong thời gian 25 ngày. Trong đó 5 ngày chuẩn bị và 20 ngày chạy thử thích hợp. Sau 25 ngày chạy thử, tất cả những tài liệu, kết quả quá trình vận hành sẽ được lưu lại trong hồ sơ và bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Ông Đường Hồng – Giám đốc dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (thuộc Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) cho hay, dự án đã hoàn thành 100% các hạng mục từ tháng 4/2019 và đủ điều kiện để bàn giao trước ngày 31/12. Để có thể đưa dự án vào khai thác thì công việc chính còn lại là nghiệm thu bàn giao và thanh toán. Tuy nhiên, ông Đường Hồng cho rằng, tiến độ nghiệm thu phải phụ thuộc vào ban quản lý dự án.
Bên cạnh đó, theo ông Đường Hồng, vấn đề hồ sơ bị thiếu trước kia đã được Tổng thầu cung cấp đủ ho đơn vị tư vấn đánh giá an toàn. Hiện phía doanh nghiệp không thể cung cấp thêm các hồ sơ theo yêu cầu của đơn vị đánh giá an toàn hệ thống của Pháp là Công ty ACT.
Vị lãnh đạo Tổng thầu đưa ra giải thích bất ngờ cho vấn đề hồ sơ nghiệm thu này răng, do phía tư vấn ACT áp dụng tiêu chuẩn của châu Âu còn dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc. Trong khi theo tiêu chuẩn của Trung Quốc thì không cần thiết phải có những hồ sơ đó. Đây là lý do Tổng thầuTrung Quốc không thể cung cấp thêm hồ sơ theo yêu cầu của ACT.
Trong một diễn biến khác, mới đây, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước cho biết từ năm 2008 khi được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị này đã phát hiện việc thực hiện dự án trên cao là không phù hợp với điều kiện, khí hậu, gây tốn kém, không phát huy hết được hiệu quả của dự án.
Ngoài ra, phía đơn vị tư vấn ACT của Pháp khi tiến hành kiểm tra cũng chỉ ra vướng mắc nằm ở việc thiếu hồ sơ, hồ sơ chưa đầy đủ và xem đây là nguyên nhân để mất thêm nửa năm hoặc lâu hơn nữa mới đưa được tuyến đường vào vận hành.