Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thầu EPC treo thưởng tiến độ dự án Cát Linh – Hà Đông: Giải pháp trấn an dư luận?

Bảo Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) và các nhà thầu phụ đã ký cam kết đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

 Theo đó, Tổng thầu EPC sẽ dành 2 triệu USD (khoảng 44 tỷ đồng) để thưởng cho các nhà thầu hoàn thành đúng và vượt tiến độ các hạng mục của dự án. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, với những gì đã và đang diễn ra, không dễ để các nhà thầu lấy được tiền thưởng từ Tổng thầu EPC.
Liên tục lùi tiến độ
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông được khởi công từ tháng 10/2011, theo dự kiến ban đầu, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý I/2016 sẽ vận hành chính thức.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông liên tục bị lùi tiến độ. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, dự án đã liên tục bị lùi tiến độ và đội vốn khiến dư luận vô cùng bức xúc. Mới đây nhất, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng thầu EPC phải cơ bản hoàn thành công tác xây dựng trước ngày 31/12/2016, hợp phần mua sắm, lắp đặt thiết bị hoàn thành trước 21/6/2017 để bắt đầu vận hành chạy thử, và đến tháng 9/2017 sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại. Thế nhưng, tuyên bố này của Bộ GTVT vẫn khiến nhiều người hoài nghi. Bởi, đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT ra “tối hậu thư” đối với dự án này.
Và dường như ngay sau khi Bộ GTVT có yêu cầu, Tổng thầu EPC đã tổ chức ký cam kết thực hiện tiến độ xây lắp với 20 nhà thầu phụ của dự án. Theo đó, nhà thầu phụ không hoàn thành mốc tiến độ, cứ chậm 1 ngày sẽ xử phạt 10 triệu đồng, vượt tiến độ 1 ngày sẽ thưởng 10 triệu đồng. Theo đại diện Tổng thầu EPC, việc ký cam kết tiến độ thực hiện Dự án không chỉ là cam kết giữa Tổng thầu và nhà thầu phụ, mà cũng chính là cam kết của Tổng thầu Trung Quốc với Chính phủ Việt Nam, Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt và người dân Hà Nội.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, thậm chí cả những nhà thầu phụ thực hiện dự án, việc đẩy nhanh tiến độ của dự án không phải là việc nhà thầu phụ muốn là được. “Đây là dự án lớn, chẳng nhà thầu nào đủ tài chính để triển khai từ đầu đến cuối mà không phải đi vay ngân hàng, mà đã vay thì phải trả tiền lãi. Do đó, nếu Tổng thầu EPC không giải ngân vốn theo tiến độ một cách kịp thời thì chẳng nhà thầu nào dám tiếp tục đi vay ngân hàng để triển khai dự án và nhận về 10 triệu đồng/ngày nếu vượt tiến độ” – một nhà thầu chia sẻ.
Khó hoàn thành khi chậm giải ngân
Ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, để đảm bảo tiến độ đề ra, Ban QLDA đã đề nghị Tổng thầu Trung Quốc bố trí đủ nguồn vốn lưu động để kịp thời giải ngân, thanh toán tạm ứng cũng như thanh toán khối lượng cho các nhà thầu phụ, đảm bảo nguồn lực tài chính để nhà thầu phụ thi công đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Cùng với đó, Ban QLDA sẽ tạo mọi điều kiện cho các đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng cũng sẽ có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với nhà thầu phụ nếu không đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng công trình.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu phụ lập tiến độ thi công tổng thể và chi tiết đối với các hạng mục, nghiêm túc thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Luôn chú trọng, không lơi là công tác đảm bảo an toàn, chất lượng công trình, vệ sinh môi trường, đảm bảo ATGT, an toàn phòng chống cháy nổ trong quá trình thi công. Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các đơn vị cần tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công toàn diện, tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công thêm nhiều mũi, thi công liên tục 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Theo Ban QLDA Đường sắt, đến thời điểm này các hạng mục xây lắp của dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, 10% còn lại các đơn vị đang khẩn trương hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra (trước 31/12/2016 - PV). Tuy nhiên, dù chỉ còn khoảng 10% khối lượng công việc nhưng nếu như Tổng thầu EPC tiếp tục chậm giải ngân cho các nhà thầu phụ thì mục tiêu trên rất khó hoàn thành.