Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Belarus đáp trả “tối hậu thư” của các nước EU về Wagner

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố, việc Ba Lan và các nước Baltic muốn Belarus trục xuất lực lượng của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner là "đề nghị vô căn cứ”.

Ông Lukashenko họp với Hội đồng An ninh Belarus ngày 31/8. Ảnh: Belta
Ông Lukashenko họp với Hội đồng An ninh Belarus ngày 31/8. Ảnh: Belta

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 31/8 đã bày tỏ tức giận khi một nhóm các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) “yêu cầu” Belarus buộc lực lượng Wagner rời khỏi lãnh thổ.

“Các nhà lãnh đạo Ba Lan và một số nước vùng Baltic đang cáo buộc Belarus có ý định gây hấn. Điều đó thật hoang đường” - hãng tin BelTA trích phát biểu của Tổng thống Lukashenko tại cuộc họp an ninh quốc gia hôm 31/8.

Theo Tổng thống Lukashenko, giới lãnh đạo Ba Lan và một số nước vùng Baltic đang thể hiện sự “cuồng loạn” khi lực lượng Wagner đồn trú trên lãnh thổ Belarus. Nhà lãnh đạo Belarus nhấn mạnh: “Họ thậm chí đi xa tới mức yêu cầu  lực lượng Wagner ngay lập tức rời khỏi Belarus. Chính họ cũng đang tăng ngân sách quân sự, điều động lực lượng lớn ở khu vực biên giới”.

“Ba Lan, Lithuania hay các nước khác ở vùng Baltic không muốn có một sĩ quan hay binh sĩ nước ngoài nào trên lãnh thổ của họ. Nếu trường hợp này xảy ra, họ mới có quyền phản đối sự hiện diện của lực lượng nước ngoài ở Belarus. Còn nếu không, đó là những yêu cầu vô lý và ngớ ngẩn. Họ đã đưa ra yêu cầu với Belarus, chứ không phải đề xuất” - ông Lukashenko lưu ý thêm.

Bên cạnh đó, Tổng thống Belarus cho biết, hồi tháng 4, Ba Lan tuyên bố đình chỉ một phần nghĩa vụ theo Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) đối với Belarus. Đây là hiệp ước nhằm kiểm soát vũ khí thông thường giữa các nước tham gia ký kết ở châu Âu.

“Đó là một bước đi nguy hiểm” - ông Lukashenko nhận định.

Cũng trong bài phát biểu, ông Lukashenko nói thêm rằng, lực lượng đối lập Belarus đang được huấn luyện ở Ba Lan, Lithuania và Ukraine. Tổng thống Lukashenko cảnh báo, Belarus “không ngần ngại phản ứng” về vấn đề này.

Đồng thời, ông Lukashenko cho rằng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang kiên trì thúc đẩy chính sách mở rộng liên minh và tiến hành các cuộc tập trận khiêu khích gần biên giới Belarus.

Theo ông, các thành viên NATO đang biện minh cho những hành động đó bằng việc cáo buộc một số mối đe dọa xuất phát từ lãnh thổ Belarus.

Hồi đầu tuần, Ba Lan và các nước vùng Baltic thuộc EU đã yêu cầu Belarus trục xuất công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga và hồi hương những người di cư bất hợp pháp được cho là đang tập trung đông đảo tại biên giới nước này - RT đưa tin.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với những người đồng cấp Latvia, Estonia và Lithuania hôm 28/8, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cảnh báo rằng các nước này có thể đóng cửa biên giới với Belarus.

“Nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng, bất kể xảy ra ở biên giới Ba Lan hay Lithuania, chúng tôi sẽ trả đũa ngay lập tức. Tất cả các cửa khẩu biên giới đã mở cho đến nay sẽ bị đóng” - Bộ trưởng Kaminski tuyên bố.

Tối hậu thư cho Belarus được đưa ra sau cái chết của ông trùm Wagner Evgeny Prigozhin trong một vụ rơi máy bay ở Nga vào tuần trước. Một số thành viên cấp cao khác của công ty quân sự tư nhân cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn.

Trước đó, hồi đầu tháng 8, Lithuania thông báo tạm đóng 2 trong 6 cửa khẩu với Belarus do lo ngại mối đe dọa an ninh từ Wagner. Giới chức Ba Lan cho biết hiện có hàng nghìn lính Wagner ở Belarus.

Nhóm Wagner được tái triển khai tới Belarus sau khi phát động cuộc binh biến ngắn ngủi ở Nga vào cuối tháng 6. Giới chức Belarus cho hay, nước này đã cho phép Wagner sử dụng một căn cứ bỏ không và Wagner sẽ hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Belarus.

Sự hiện diện của nhóm này ở Belarus đã làm gia tăng căng thẳng kéo dài giữa Minsk và Warsaw.