Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng giá dầu tăng cao là do Nga và OPEC+ không tăng mạnh nguồn cung năng lượng. |
"Như chúng ta đã chứng kiến, một trong những lý do khiến giá khí đốt và giá dầu tăng mạnh trong những tháng qua là do Nga và các nước OPEC+ chưa nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ” - Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên hôm 2/11 khi tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.
Giá dầu WTI của Mỹ nhảy vọt từ mức 48 USD/thùng hồi đầu năm nay lên 84 USD/thùng. Đà leo dốc kỷ lục của giá dầu là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 13 năm. Giá xăng tại Mỹ cũng đang ở mức cao nhất trong 7 năm. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tăng từ mức gần 2,50 USD/mmBtu lên gần 6 USD/mmBtu trong phiên giao dịch ngày 2/11.
Trước đó, trong một buổi họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Rome (Italia) hôm 31/10, Tổng thống Biden cho biết, việc OPEC+ từ chối tăng sản lượng dầu thô đang ảnh hưởng đến tầng lớp lao động Mỹ. "Tôi thực sự nghĩ rằng việc Nga, Ả Rập Saudi và các nhà sản xuất lớn khác không bơm thêm dầu để mọi người có thể có xăng đi và đến nơi làm việc là không đúng", Tổng thống Biden nói.
Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau Covid-19, nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng mạnh được cho là nguyên nhân dẫn đến giá cả tăng mạnh. Một lý do khác khiến giá dầu leo dốc kỷ lục là do nhóm OPEC+ chỉ tăng “nhỏ giọt” nguồn cung ra thị trường.
Chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng 8 đã lên tiếng kêu gọi OPEC+ tăng nguồn cung để hạ nhiệt giá “vàng đen” trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu toàn cầu đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Trong một diễn biến liên quan, Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 2/11 tuyên bố, không nên cho rằng liên minh OPEC+ cần phải tăng sản lượng dầu hàng tháng nhiều hơn so với kế hoạch hiện tại.
Bình luận về áp lực của Mỹ đối với các lãnh đạo OPEC+, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Nga là một bên của thỏa thuận OPEC+. Chúng tôi luôn đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các thỏa thuận. Tuy nhiên, đó là một cơ chế linh hoạt và có tính đến những thay đổi về cơ sở hạ tầng và tình huống, mọi thời điểm, tình hình có thể được điều chỉnh. Quyết định này sẽ như thế nào, chúng ta hãy chờ các cuộc tham vấn theo kế hoạch".
Dự kiến, các bộ trưởng năng lượng OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/11 để quyết định hạn ngạch sản xuất cho tháng 12. Một số bên tham gia khác trong thỏa thuận OPEC+ bao gồm Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn giữ nguyên tốc độ nới lỏng hiện tại ở mức 400.000 thùng/ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn Bloomberg vào tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ cần phải thận trọng với cách tiếp cận điều chỉnh sản lượng dầu mỏ bất chấp giá nhiên liệu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.
Hai nhà sản xuất dầu lớn khác ở Trung Đông, Kuwait và Iraq, hôm 1/11 nói rằng rằng họ ủng hộ kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày như một biện pháp can thiệp đầy đủ và phù hợp để đáp ứng nhu cầu và cân bằng thị trường./.