Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 25/9 từ New York cho biết, Triều Tiên muốn tham gia các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới, hy vọng dùng chương trình hạt nhân của mình để đối lấy sự phát triển kinh tế.
Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều cùng tham gia một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần 3 diễn ra từ 18-20/9 tại Bình Nhưỡng. |
Phát biểu tại một cuộc thảo luận được tổ chức bởi Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Viện Chính sách Xã hội Châu Á và Hiệp hội Hàn Quốc, ông Moon khẳng định Seoul có kế hoạch hỗ trợ phát triển nền kinh tế quốc gia Triều Tiên.
"Hàn Quốc dự định sẽ chủ động trong việc tạo chỗ dựa cho sự phát triển kinh tế Bắc Triều Tiên, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng", Tổng thống Hàn Quốc cho biết. "Tôi tin rằng điều này cũng sẽ cung cấp sức sống mới và sự tăng trưởng cho nền kinh tế Hàn Quốc".
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ có “một số hạn chế” nếu Seoul đơn độc hỗ trợ phát triển kinh tế quốc gia của Bình Nhưỡng và nhấn mạnh sự cần thiết của các tổ chức tài chính quốc tế.
"Tôi nghĩ rằng cần phải tạo lập các quỹ quốc tế hỗ trợ cơ sở hạ tầng của Bắc Triều", ông Moon nói thêm, “các cơ quan quốc tế khác bao gồm WB (Ngân hàng Thế giới), Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á sẽ hỗ trợ cho Triều Tiên”.
Bình Nhưỡng sẵn sàng chấp nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, ông Moon nhấn mạnh: "Tôi đã xác nhận rằng phía Triều Tiên có quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế bằng cách tham gia một số tổ chức quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới".
Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon đã thông báo rằng Seoul đang tìm kiếm các lối tắt để cho phép Bắc Triều Tiên nhận tài trợ và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế (IFI), bao gồm Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).
Tuyên bố chung của Bình Nhưỡng vào tuần trước đã chứng kiến 2 miền Triều Tiên đồng ý tăng cường hợp tác kinh tế, với kế hoạch tiếp tục phát triển khu công nghiệp Kaesong Industrial Complex (KIC) và du lịch Núi Kumgang khi hoàn cảnh cho phép.
Cũng trong bài phát biểu của mình hôm 25/9, Tổng thống Moon Jae-in cho biết các dự án này sẽ “tạo cơ hội tăng trưởng mới” cho cả các doanh nghiệp Mỹ và Hàn Quốc.
Ông Moon Jae-in tại sự kiện được tổ chức bởi Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Viện Chính sách Xã hội Châu Á và Hiệp hội Hàn Quốc. Ảnh: Nhà Xanh |
Khi được hỏi lý do tại sao ông Kim Jong-un lại chọn một con đường khác với cha mình, cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, Tổng thống Moon cho rằng suy nghĩ của nhà lãnh đạo trẻ rất khác so với người tiền nhiệm của ông.
"Từ kinh nghiệm của riêng tôi, và như bạn đã thấy (thông qua buổi phát sóng trực tiếp hội nghị thượng đỉnh), Chủ tịch Kim rất cởi mở và lịch sự. Ông ấy đối xử với những người lớn tuổi bằng sự tôn trọng mặc dù ông ấy vẫn còn trẻ", ông Moon nói, "Ông Kim cũng có một ý chí mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên".
Trích dẫn ý kiến của Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Moon cho thấy niềm lạc quan của mình khi nói rằng ông Kim Jong-un có "mong muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân" để đổi lấy sự phát triển kinh tế, với điều kiện Mỹ hứa đảm bảo an ninh.
"Tôi nhận thức được rằng nhiều người trên khắp thế giới đang không tin tưởng Bắc Triều, cho rằng nỗ lực của Bình Nhưỡng là lừa đảo hay đang cố kéo dài thời gian", ông Moon trích dẫn lời Chủ tịch Kim nói với ông.
Bình Nhưỡng chẳng đạt được gì từ việc hoạt động lén lút hay câu giờ, Nhà lãnh đạo Bắc Triều cho biết.
"Mỹ sẽ trừng phạt nếu chúng tôi làm thế, và làm thế nào mà chúng tôi có thể đối phó được sự trừng phạt như vậy? Hãy tin vào sự chân thành của chúng tôi lần này", ông Kim nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Fox News, Tổng thống Moon hôm 25/9 cũng cho biết quá trình hạt nhân hóa sẽ được tăng tốc nếu Mỹ cam kết với Bình Nhưỡng một sự đảm bảo an ninh và thiết lập lại quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều.
"Đây là lý do tại sao tôi tin rằng thời hạn hoàn thành quá trình phi hạt nhân hóa của miền Bắc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump không phải là điều không thể thực hiện được", ông Moon nói trong một bài báo do văn phòng tổng thống Hàn Quốc cung cấp.
Ông Moon cũng nhắc đến "các biện pháp tương ứng" được đề cập trong Tuyên bố chung Pyongyang, là điều kiện cho việc ngừng hoạt động hoàn toàn trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon mà không cần đến các biện pháp trừng phạt.
Theo đó, Washington có thể thực hiện các biện pháp khác nhau để chấm dứt mối quan hệ thù địch giữa 2 nước, bao gồm một tuyên bố kết thúc Chiến tranh 1950 - 1953, hỗ trợ nhân đạo, thành lập đại sứ quán ở Bình Nhưỡng và trao đổi các đoàn kinh tế và đoàn nghệ thuật.
Trong cuộc phỏng vấn của mình, Tổng thống Moon cho biết ông đã "thảo luận đầy đủ với Tổng thống Trump" về triển vọng cho một tuyên bố kết thúc chiến tranh trong cuộc họp song phương với Mỹ vừa qua.
"Tôi không chắc liệu kết quả của hội nghị thượng đỉnh (Mỹ - Hàn) vừa qua có dẫn đến một tuyên bố kết thúc chiến tranh hay không", ông Moon nói, "nhưng tôi nghĩ đã có một sự đồng thuận về mong muốn tuyên bố kết thúc chiến tranh trong thời gian sớm nhất có thể. Đây có thể xem là một dấu hiệu hướng đến giải quyết các mối quan hệ thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên".
Tổng thống Hàn Quốc cũng nhắc lại quan điểm của mình rằng hiệp ước hòa bình sẽ không ảnh hưởng đến việc đồn trú của quân đội Mỹ tại quốc gia này. Lực lượng Hoa Kỳ Hàn Quốc (USFK).
"Tôi tin rằng Lực lượng liên quân Mỹ - Hàn (USFK) vẫn sẽ cần phải ở lại ngay cả khi 2 miền Triều Tiên đã đạt được sự thống nhất vì sự ổn định và hòa bình của toàn bộ Đông Bắc Á", ông nói.