Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Mỹ và di sản ngoại giao với châu Âu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đến Anh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm đến Đức nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và củng cố vị thế đồng minh lâu năm giữa Mỹ và châu Âu.

Đây cũng là cơ hội để ông Obama thúc đẩy hoàn tất Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) như một di sản trong nhiệm kỳ cuối.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đức là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Âu 6 ngày với mục tiêu được Tổng thống Obama gửi gắm rất rõ ràng là củng cố quan hệ với các nước đồng minh quan trọng không chỉ trong kinh tế mà còn có ý nghĩa trong cuộc chiến chống khủng bố và cân bằng với Nga trong việc can dự vào Syria và Ukraine. “Sự lớn mạnh của châu Âu đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các thách thức an ninh, quốc phòng và di cư”, Tổng thống Obama nhấn mạnh. Trước đó, quan hệ giữa Washington và Berlin đã gặp phải khủng hoảng khi thông tin nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel do cơ quan an ninh quốc gia Mỹ thực hiện bị tiết lộ. Nhưng trong những năm gần đây, cả 2 bên đã nhận ra cần phải sát lại gần nhau để cùng giải quyết các vấn đề khủng hoảng ở tầm quốc tế.

Tổng thống Mỹ cũng liên tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Trước chuyến thăm đến Đức, Tổng thống Mỹ đã ủng hộ việc Anh ở lại EU - động thái ngoại giao mạnh mẽ hiếm hoi của ông Obama. Còn ở Đức, Tổng thống Mỹ không “ngớt lời” ca ngợi chính sách điều hành của Thủ tướng Merkel trong việc giải quyết vấn đề di cư, cũng như đề cao vai trò và vị thế của Đức trong NATO. Trước đó, Mỹ đã bị các đồng minh châu Âu chỉ trích là quá thờ ơ, không nhiệt tình chia sẻ gánh nặng của khủng hoảng di cư với châu Âu. Sự ủng hộ các chính sách về giải quyết khủng hoảng di cư của ông Obama với bà Merkel cho thấy nỗ lực của Washington trong việc xóa bỏ hố sâu ngăn cách giữa các đồng minh. Cuối năm ngoái, ông Obama cũng đã thể hiện sự chung tay với đồng minh khi tuyên bố nước Mỹ sẽ nhận 10.000 người tị nạn Syria trong năm 2016.

Tuy nhiên, chuyến đi không phải suôn sẻ hoàn toàn. Trong chuyến đi này, Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh vào việc đẩy nhanh Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong 8 tháng cuối cùng của nhiệm kỳ. Ông Obama và bà Merkel là 2 lãnh đạo ủng hộ hiệp định thương mại được cho là chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nhưng TTIP đã vấp phải các mối quan ngại về tác động đối với việc làm, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. Bên cạnh đó, "thời gian không đứng về phía chúng ta", như chính ông Obama thừa nhận khi chỉ còn 8 tháng trước khi ông rời Nhà trắng. Lo ngại này hoàn toàn có thể xảy ra bởi nếu quá trình đàm phán không hoàn tất trong năm nay, quá trình chuyển giao chính trị tại Mỹ và châu Âu khi các cuộc bầu cử đang đến gần sẽ đồng nghĩa với việc thỏa thuận này bị “treo” trong một thời gian dài. Do vậy, đây có thể sẽ là điểm tiếc nuối đối với Tổng thống Obama khi kết thúc chuyến công du.

Với chuyến thăm đến châu Âu trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào cuối năm nay, ông Obama cho thấy ý định thực hiện một chuyến đi mang lại nhiều tín hiệu tích cực với các nước châu Âu, và cũng nhằm mục tiêu hoàn tất “di sản” ngoại giao, kinh tế của mình.