Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Nga hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc ngày 13/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Park Geun-Hye.

Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm về tăng cường gắn kết Á-Âu thông qua hợp tác hậu cần, theo đó Hàn Quốc sẽ tham gia dự án đầy tham vọng về "Con đường Tơ lụa" nối hai châu lục này bằng đường sắt và đi qua Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Dự án được cho là sẽ tạo điều kiện cho các công ty Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Triều Tiên một cách gián tiếp.

Tại cuộc gặp, hai tổng thống đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc 3 công ty Hàn Quốc, bao gồm nhà sản xuất thép POSCO, hãng tàu biển Hyundai Merchant Marine và tập đoàn đường sắt nhà nước Hàn Quốc Korea Railroad tham gia dự án đường sắt Rajin-Khasan (từ cảng Rajin ở Đông Bắc Triều Tiên tới thị trấn Khasan ở biên giới Đông Nam nước Nga) và phát triển cảng Rajin.

Tuyến đường sắt Rajin-Khasan dài 54km đã được tu sửa và hoạt động trở lại từ tháng 9 vừa qua, nối cảng Rajin tới tuyến đường sắt Xuyên Siberia của Nga (TSR).

Với sự tham gia của Hàn Quốc, tuyến đường sắt mới sẽ kéo dài từ Triều Tiên tới cảng Busan ở miền Nam Hàn Quốc, mở đường cho các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc vận chuyển hàng hóa tới tận châu Âu.

Năm 2000, ông Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Jong-il đã nhất trí về dự án Rajin-Khasan trị giá 340 triệu USD.

Công ty Đường sắt của Nga đóng góp 70% cổ phần và phía Bình Nhưỡng đóng góp phần còn lại.

 
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (phải) có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (phải) có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sắp tới, ba công ty của Hàn Quốc sẽ được đầu tư vào số cổ phần của Nga. Theo các phương tiện truyền thông, Nga muốn Seoul đóng góp 34% cổ phần, trong khi Moscow góp 36% và Bình Nhưỡng góp 30%.

Việc Hàn Quốc tham gia dự án trên sẽ tạo điều kiện cho Seoul mở rộng đầu tư vào Bình Nhưỡng, hoạt động vốn bị cấm vì lệnh trừng phạt mang tên Ngày 24/5 mà Hàn Quốc áp đặt chống Triều Tiên từ năm 2010 sau vụ chìm tàu chiến Cheonan mà Seoul cáo buộc do ngư lôi của Triều Tiên tấn công, mặc dù Bình Nhưỡng bác bỏ hoàn toàn mọi dính líu tới vụ này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Park Soo-jin cho biết quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc đối với các biện pháp trừng phạt Ngày 24/5 không thay đổi, tuy nhiên liên doanh giữa các công ty Hàn Quốc với các công ty nước ngoài sẽ không bị áp dụng lệnh trừng phạt này.

Về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Nga và Tổng thống Hàn Quốc khẳng định không chấp nhận Triều Triên là một cường quốc hạt nhân.

Trong thông cáo chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng tự mình xây dựng tiềm lực hạt nhân và tên lửa là không thể chấp nhận được.

Thông cáo chung kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, trong đó có Tuyên bố Chung ngày 29/9/2005, đồng thời nhấn mạnh rằng các bên tham gia đàm phán hạt nhân sáu bên sẽ phối hợp nỗ lực để nối lại cuộc đối thoại đổi phi hạt nhân lấy viện trợ.

Các cuộc đàm phán sáu bên, gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên, đã bị đình trệ kể từ cuộc đàm phán cuối năm 2008.

Triều Tiên đã tuyên bố rời bàn đàm phán từ tháng 4/2009 nhằm phản đối các nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc, song gần đây đã bày tỏ mong muốn trở lại đàm phán.

Theo thông cáo chung, Tổng thống Putin bày tỏ ủng hộ chính sách của Tổng thống Park Geun-Hye đối với Triều Tiên, được gọi là tiến trình xây dựng lòng tin trên bán đảo Triều Tiên, coi đây là tiền đề quan trọng đối với an ninh và hòa bình khu vực cũng như bình thường hóa quan hệ liên Triều.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường các cuộc đàm phán cấp cao về các vấn đề quốc phòng và chính trị thông qua các cuộc đối thoại định kỳ giữa bộ ngoại giao hai nước cũng như giữa cơ quan an ninh của Tổng thống Hàn Quốc và Hội đồng an ninh của Nga.